Cách xác định mục tiêu, định hướng nghề nghiệp để có việc làm ngay sau khi ra trường?

Sinh viên chưa có kinh nghiệm cần làm gì để trở thành Freelancer?

Vấn đề xác định mục tiêu, định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp Đại học luôn là nỗi đau, là câu hỏi mà bấy lâu nay biết bao nhiêu sinh viên sắp và đã ra trường tìm kiếm câu trả lời. Chính bản thân mình cũng từng như thế, từng không có mục tiêu và định hướng nào cả, từng sợ thất nghiệp sau khi ra trường. Vì vậy, bài viết này mình mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cũng như tiếp thêm động lực để các bạn có kế hoạch tốt cho bản thân.

Xuyên suốt chuỗi bài chia sẻ về hành trình học tập của bản thân, mình luôn nhấn mạnh việc xác định mục tiêu và lộ trình cụ thể càng sớm càng tốt. Mình bắt đầu và khởi động muộn màng hơn so với các bạn khác cũng bởi vì không có định hướng rõ ràng từ đầu.

Thực trạng

Trong 4 năm Đại học, chúng ta được học rất nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ năng, được trải nghiệm. Không ít các bạn sinh viên cho đến năm học cuối cùng vẫn chẳng biết mình sẽ làm gì sau khi ra trường, mình giỏi cái gì, mình thuộc về đâu.

Thậm chí, có những bạn rất vô tư, vui vẻ hài lòng với thực tại, chấp nhận mức lương khởi điểm là 2 – 3 triệu/tháng. Miễn là, có việc làm và không thất nghiệp là được. Với mức lương ít ỏi đó, làm sao đủ trả công cho sức lao động, chi phí sinh hoạt, ti tỉ những khoản phí phát sinh khác. Khi chúng ta đi làm rồi, cuộc sống sẽ thay đổi nhiều chứ không còn đơn giản như hồi đi học.

Bạn phải làm 8 tiếng đến 12 tiếng mỗi ngày chỉ để đổi lấy số tiền ít ỏi không đủ sống ấy. Rồi khi không trụ được nổi nữa, bạn nghỉ việc và lại tiếp tục vòng lặp không có định hướng, mục tiêu.

Có nhiều bạn không tìm được sở thích và khai thác tốt điểm mạnh của bản thân, chấp nhận làm trái ngành hoặc thậm chí là làm công nhân nhà máy trong khi sở hữu tấm bằng Cử nhân trong tay.

Tất cả những điều mà mình liệt kê bên trên đều được tạo ra bởi nguyên nhân: không có mục tiêu, định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Vậy thì làm thế nào để xác định mục tiêu, lộ trình rõ ràng cho tương lai, có thể tìm được việc ngay sau khi ra trường?

1. Hiểu bản thân: Tìm ra điểm mạnh và điểm yếu

Việc khám phá và hiểu chính con người mình thực ra khó chứ không hề dễ đâu. Mình mất khoảng 1 năm trời chỉ để xác định được bản thân mình có sở trường gì, mạnh cái gì, yếu cái gì.

Đầu tiên, các bạn có thể làm thử bài test trắc nghiệm MBTI để đọc vị tính cách, tham khảo kết quả trả lại của bài test để tìm cho mình một nghề nghiệp phù hợp.

Thứ hai, hãy tập quan sát, ghi chép lại hành trình học tập và phát triển của bạn. Mình hay để ý việc mỗi ngày mình đã học thêm được cái gì, có thứ gì hay ho, mình đều note lại hết. Nếu đọc được bài viết nào hay, mình sẽ lưu lại hoặc thêm chúng vào bookmarks riêng để sau này còn đọc lại.

Kể cả những việc mình không làm được, mình gặp khó khăn với việc gì, mình bị điểm kém học phần nào đều được ghi lại.

Sau đó, mình sẽ sắp xếp và lọc chúng một lần để tìm ra những việc mà mình làm tốt, những thứ mà mình còn yếu kém.

Đặc biệt hơn nữa, bạn cần phải lắng nghe tiếng lòng của bản thân. Bạn đang muốn điều gì, khao khát được những thành tựu nào, hay bạn đang muốn trở thành một ai đó tài giỏi hơn.

Hiểu được bản thân, bạn mới có thể vạch ra mục tiêu một cách tốt nhất. Giống như việc mình không hợp với công việc văn phòng, mình muốn tự do và theo đuổi nghề viết vậy đó.

Bạn phải hiểu bản thân thì mới có thể xác định mục tiêu

2. Xác định mục tiêu, định hướng nghề nghiệp

Sau khi đã biết điểm mạnh và điểm yếu của mình, bạn hãy viết ra mục tiêu công việc mà bạn muốn. Hãy đi từ mục tiêu nhỏ sau đó tới mục tiêu lớn.

Ví dụ: Mình muốn trở thành Blogger, Freelancer về Content, Marketing. Đó là mục tiêu lớn. Mục tiêu nhỏ là xây dựng thương hiệu cá nhân bền vững, học Content Marketing, tạo Blog, mở rộng vòng tròn quan hệ, đầu tư vào kiến thức liên tục…

Việc viết ra mục tiêu đó dễ dàng giúp bạn đi đúng con đường mà mình đã lập sẵn cũng như định hướng được nghề nghiệp trong tương lai.

Có mục tiêu, có định hướng không phải để yên đó rồi thành công tự đến mà phải bắt tay ngay vào hành động. Chia nhỏ từng mục tiêu rồi thực hiện chúng dần dần rồi tick nó vào ô hoàn thành nếu bạn đã thực hiện xong.

3. Các mối quan hệ sẽ giúp bạn tìm việc nhanh hơn

Người ta hay nói “Nhất quan hệ, nhì hậu duệ”. Nếu bạn không có các mối quan hệ bự bự từ bố mẹ, gia đình thì hãy tự tạo ra chúng. Mình nói thật rằng các công việc hiện tại của mình đều nhờ việc xây dựng thương hiệu tốt và bạn bè giới thiệu hết đấy.

Hãy tham gia nhiều hoạt động ở trường, đi làm thêm, join nhiều Group chất lượng, theo dõi làm quen với những anh chị đi trước, những người bạn giỏi giang. Họ biết về bạn, hiểu bạn, nhìn thấy được năng lực thực sự của bạn thì khi có job nào đó xịn xịn, họ nghĩ đến bạn ngay. Tin mình đi.

Kể cả những người bạn mình quen qua mạng, chưa gặp bao giờ nhưng họ cũng rất tin tưởng mình và giao phó công việc.

4. Hãy đi làm thêm và trải nghiệm nhiều lên

Có thể bạn không có kinh nghiệm nhưng đừng bao giờ để thiếu hụt trải nghiệm. Ngay từ năm nhất, mình đã thấy nhiều bạn sinh viên bắt đầu tìm việc part-time, thực tập ở các công ty rồi đấy. Phải công nhận rằng các bạn sinh viên ngày nay rất năng động và giỏi cực.

Tuy nhiên, hãy luôn ưu tiên cho việc học. Học là số 1. Đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc, mải mê đi làm mà bỏ bê việc học trên lớp. Để rồi trong khi bạn bè tốt nghiệp ra trường, bạn vẫn còn nợ môn mà kinh nghiệm làm việc cũng chẳng tới đâu.

Bản thân mình luôn ưu tiên lịch học ở trường và tự học. Các vấn đề khác như hoạt động ngoại khóa, xã hội, làm thêm đều phải xếp sau cùng. Mình biết có nhiều bạn nhỏ vì hoàn cảnh khó khăn nên phải cật lực đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, nộp học phí. Đôi khi các bạn vô tình bị cuốn vào, chểnh mảng học hành. Thế nên, bạn cần có kế hoạch sắp xếp thời gian biểu hợp lý để cân bằng được giữa học và làm.

Đừng để mục trải nghiệm và kinh nghiệm trống rỗng trong 4 năm Đại học nhé. Bất kể công việc từ tay chân (nhân viên phục vụ…) đến gia sư, thực tập sinh ở công ty… đều có giá trị cao trong CV để nhà tuyển dụng chọn bạn.

5. Học thêm những kỹ năng hot, hái ra tiền

Kỹ năng có tiềm năng và kiếm được tiền hiện nay như: Ngoại ngữ, Content, Marketing, chạy ads…

Bạn có thể học nó bất cứ lúc nào bạn muốn thông qua các Khóa học Online miễn phí và có phí. Rất nhiều bài viết mình đã đề cập về chủ đề này rồi, các bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn trong Blog của mình nhé!

Đầu tư vào kiến thức chính là một trong 3 khoản đầu tư có giá trị giúp bạn trở thành “cổ phiếu tiềm năng” khi vẫn còn ngồi trên giảng đường đấy.

Xác định mục tiêu và học thêm kỹ năng hot

6. Tìm việc ở đâu?

Có rất nhiều trang web tuyển dụng việc làm uy tín hiện nay như: Top CV, Vietnamwork, JobsGo, Mywork…

Bên cạnh đó, còn có một số Group lớn xịn xò trên Facebook giới thiệu cho bạn nhiều cơ hội việc làm nữa đấy, trong đấy mình thấy Group Bạn đã có việc làm chưa? là nổi bật nhất. Các anh chị và nhà tuyển dụng nổi tiếng trong Group sẽ giới thiệu công việc tốt cho bạn, sửa CV, tư vấn nghề nghiệp nè.

Thêm nữa còn có các trang web nước ngoài xịn như Linkedln, CareerBuilder, Upwork, Fiverr (cho dân Freelance)…

Tìm việc

7. Nâng cấp bản thân và đừng bao giờ hài lòng với hiện tại quá lâu

Thứ không bao giờ mất đi chính là kiến thức và trí tuệ hàm chứa trong bộ não của bạn. Vì thế mà việc đầu tư vào trí óc luôn rất quan trọng để chúng ta nâng cấp bản thân mỗi ngày.

Nếu bạn nghĩ bản thân tốt nghiệp loại Giỏi, Xuất sắc là đủ để sở hữu công việc có mức lương 1x trở lên thì bạn lầm rồi. Đừng bao giờ hài lòng với thực tại quá lâu mà hãy học nhiều hơn, làm mọi cách để phát triển năng lực của mình. Bởi vì, ở trong cái ao bạn tự tạo quá lâu, bạn sẽ bị thụt lùi so với sự phát triển xã hội, so với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người xung quanh.

Ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, bạn hãy sớm vạch ra mục tiêu, tập trung học hỏi, trải nghiệm để sau khi ra trường có việc làm ngay mà không phải chần chừ và sợ thất nghiệp.

Đại học là nơi giúp chúng ta trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng, trải nghiệm khó tìm được ở bất cứ đâu. Vì vậy, mình luôn khuyên các bạn hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, xác định mục tiêu cụ thể, trang bị đầy đủ “vũ trang” để có thể tìm kiếm được công việc tốt, theo đuổi đam mê và thu nhập cao ngay sau khi ra trường.

Lưu bài viết và áp dụng ngay nếu bạn thấy nó bổ ích nhé!

Đọc thêm một số bài viết liên quan ở đây:

Bên cạnh đó nếu bạn tò mò về Khóa học Content Marketing, kinh doanh online giúp mình kiếm được thu nhập thụ động và phát triển nghề Freelance thì có thể đọc thêm tại đây nhé!

Đề cử bài viết nổi bật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »