Review ngành Đông Phương học: Có gì thú vị?

Review ngành Đông Phương học

Ngành Đông Phương học hiện đang là một ngành học khá nổi và đầy tiềm năng những năm gần đây. Ngành còn được mệnh danh là ngành “đi xuyên qua” các nền văn hóa. Bởi sự mới mẻ của nó, có rất ít các thông tin chia sẻ cụ thể về ngành học thú vị này.

Tuy nhiên, Đông Phương học vẫn vấp phải những ý kiến trái chiều và nhận định tiêu cực về khối lượng kiến thức cũng như giá trị mà ngành học này mang lại cho sinh viên. Vì thế, bài viết dưới đây sẽ là toàn bộ trải nghiệm của chính mình – một sinh viên tốt nghiệp Cử nhân loại Giỏi ngành Đông Phương học – Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng để các bạn có một cái nhìn toàn diện hơn.

1. Sơ lược về ngành Đông Phương học

Ngành Đông Phương học là gì?

Đông Phương học hay còn được gọi bằng tên Tiếng Anh là Oriental Studies, thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội. Ngành này chuyên nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, quan hệ quốc tế… của các quốc gia và vùng lãnh thổ phương Đông. Điển hình như nhóm các quốc gia Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên), Nam Á (Ấn Độ…) và Đông Nam Á (khối ASEAN).

Ngành Đông Phương học thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội chuyên nghiên cứu về Phương Đông.

2. Chương trình đào tạo và các học phần

Thực ra ngành này luôn nằm trong hệ thống đào tạo của các trường Đại học chuyên ngữ, vì thế, không chỉ học về các kiến thức xã hội, quan hệ quốc tế mà sinh viên còn phải trau dồi ngoại ngữ: Tiếng Anh và một ngôn ngữ bất kỳ (Trung – Nhật – Hàn).

Năm 1

Hầu hết các chương trình đào tạo Đại học của bất kỳ ngành nào đều phải học các môn Đại cương ở 2 học kỳ năm nhất. Ngành Đông Phương học cũng không ngoại lệ:

– Học kỳ I

  • Pháp luật đại cương
  • Nhập môn Đông Phương học: Học phần này sẽ là trang sách đầu tiên giới thiệu về ngành học, giải thích những thuật ngữ, tổng quan về các lĩnh vực cần nghiên cứu trong ngành. Ngay ở từ “nhập môn” cũng đủ để hiểu rồi henn.
  • Tiếng Anh A2.1
  • Tiếng Anh A2.2
  • Kỹ năng mềm: Trước khi biết đến học phần này, mình dường như không hề biết đến những kỹ năng nào cả như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập kế hoạch, v.v. Những kiến thức này hoàn toàn mới đối với mình. Giảng viên phụ trách môn này của mình khá khó tính, nhưng ngẫm lại những gì thầy đã dạy cho tụi mình hồi đó, mình cảm thấy nó rất đúng và cần thiết để cảnh tỉnh những bạn sinh viên năm nhất có tư tưởng “Ồ, năm nhất mà thôi, hết cấp 3 rồi, Đại học dễ lắm, chơi thôi”. Môn học này sẽ trang bị và rèn luyện cho các bạn biết những kỹ năng mềm cần thiết nhất không chỉ cho 4 năm Đại học của bạn, mà còn là yếu tố giúp bạn tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ngay sau khi ra trường.
  • Giáo dục thể chất
  • Dân tộc học đại cương: Các bạn sẽ được học về các khái niệm về dân tộc học với cuốn giáo trình quá ư là … “dễ ru ngủ”. Vì là đại cương nên khối lượng lý thuyết chiếm 100%. Theo mình, học phần này chỉ mang tính chất tham khảo, và để vượt qua môn này, chỉ cần học thuộc những phần mà giáo viên cho đề cương, rồi tô trắc nghiệm thui.

– Học kỳ II

  • Những nguyên lý của CN Mác – Lenin (P1): Môn học trong truyền thuyết mà mọi sinh viên đều than trời than đất mỗi kì thi kết thúc học phần. Tips duy nhất dành cho môn học này của mình là: học thuộc, học thuộc, và học thuộc – điều quan trọng nên nói 3 lần; highlight những ý chính nhất của nội dung để dễ dàng nhớ lâu hơn. Chỉ cần thế thôi, các bạn có thể dễ dàng đạt được điểm A hoặc B.
  • Lịch sử văn minh thế giới: Từ xa xưa đến nay, lịch sử thế giới đã trải qua rất nhiều thời kỳ, mỗi vùng đất đều có bản sắc và nền văn hóa riêng. Môn học này sẽ đưa các bạn ngược dòng lịch sử, trang bị kiến thức về các nền văn minh lớn nhất trên thế giới.
  • Anh văn B1.1
  • Anh văn B2.2
  • Xã hội học đại cương
  • Tin học
  • Giáo dục quốc phòng: Mình sẽ chia sẻ tips học quân sự cho các bạn ở bài sau nhé!!!
  • Ngoại ngữ 2.1: Tự chọn 1 trong 3 ngôn ngữ (Trung – Nhật – Hàn). Không phải học Đông Phương học chỉ toàn những môn xã hội nhé các bạn, chúng ta còn phải học 1 ngôn ngữ thứ 2 bên cạnh Tiếng Anh. Đây cũng là một trong các tiêu chí bắt buộc xét chuẩn đầu ra.
  • Giáo dục thể chất 2
Chương trình đào tạo ngành

Năm 2

– Học kỳ I

  • Những nguyên lý của CN Mác – Lenin (P2)
  • Cơ sở văn hóa Việt Nam
  • Kinh tế học đại cương: Lúc lựa chọn chuyên ngành, mình đã nghĩ rằng chỉ cần đậu Đại học Ngoại ngữ thì sẽ không bao giờ gặp những con số nữa. Nhưng không, dù không có Toán cao cấp hay Xác suất Thống kê như các ngành tự nhiên khác, các bạn vẫn phải mày mò với số liệu khi tính toán. Dĩ nhiên là nó đơn giản hơn Toán cao cấp rồi ^^.
  • Anh văn B1.3
  • Anh văn B1.4
  • Ngoại ngữ 2.2: Ở học phần Ngoại ngữ 2.2 các bạn đã chọn cho mình ngôn ngữ mà mình thích, thì ở học phần này, các bạn cũng phải lựa chọn ngôn ngữ đó nhé! Mặc dù không bắt buộc các bạn phải chọn ngôn ngữ giống nhau ở 2 học phần này, tuy nhiên, nếu các bạn đã xác định rằng sẽ gắn bó với ngôn ngữ nào thì hãy theo đuổi nó, chứ đừng vì vài con điểm mà chọn bừa nhé! Sau này các bạn ra trường, ngoài chứng chỉ Tiếng Anh, các bạn còn có một chứng chỉ ngoại ngữ khác nữa (Trung/Nhật/Hàn) sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm.
  • Giáo dục thể chất 3

– Học kỳ 2

  • Tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Thống kê xã hội học: Môn học này vẫn sẽ là các con số, nhưng yên tâm, nó rất dễ nếu các bạn chăm chú lắng nghe, hiểu thì sẽ làm được bài tập.
  • Văn bản hành chính: Nghe cứ tưởng đang học cái gì đó về nghiệp vụ văn phòng đúng không. Đúng rồi đó, các bạn sẽ được hệ thống và học những loại văn bản hành chính mà các cơ quan tại Việt Nam sử dụng.
  • Tiếng Anh nâng cao: Đây là học phần rèn luyện cho các bạn 4 kỹ năng: Đọc – Nghe – Nói – Viết một cách nâng cao hơn.
  • Phương pháp luận Nghiên cứu Khoa học: Thực sự mà nói, môn học này rất khô khan. Tuy nhiên, đối với mình, nó chính là “kim chỉ nam”, là “bản đồ” giúp mình có lối đi đúng đắn để thực hiện tốt 2 đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp trường và đạt được Giải cao. Các bạn sẽ biết đến cách làm một bài Nghiên cứu Khoa học bao gồm những gì, tiến hành thế nào…
  • Khu vực học đại cương: Đây là học phần rất hay, và khá quan trọng trước khi các bạn vào chuyên ngành hoặc lựa chọn nguyên ngành.
  • Giáo dục thế chất 4
Chương trình đào tạo của Đông Phương học

Năm 3

Theo chương trình đào tạo của UFLs, đến năm 3, sinh viên bắt buộc phải lựa chọn hướng chuyên ngành của mình là Đông Bắc Á, Nam Á hay Đông Nam Á. Mình thích các quốc gia phía Bắc của Châu Á nên mình đã chọn chuyên ngành Đông Bắc Á.

– Học kỳ I

  • Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
  • Biên dịch Tiếng Anh: Các bạn sẽ được học sâu hơn về cách biên dịch Tiếng Anh. Học phần này ở Khoa Tiếng Anh chuyên ngành, sinh viên sẽ được học kỹ hơn, sâu hơn để giúp ích cho định hướng làm Biên dịch viên. Tuy nhiên, ngành Đông Phương học không đòi hỏi các bạn phải học thật cao siêu, mà chỉ biên dịch những đoạn Tiếng Anh ngắn, cơ bản nếu các bạn không có dự định làm Biên dịch viên.
  • Lịch sử và văn hóa các nước Đông Bắc Á: Trước khi nghiên cứu sâu về bất cứ quốc gia nào, bạn nên có một cái nhìn tổng quát về khu vực mà quốc gia đó tồn tại. Vì vậy, học phần này các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về lịch sử văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên (bao gồm Hàn Quốc và Triều Tiên).
  • Lịch sử và văn hóa Trung Quốc: Bây giờ các bạn đã bắt đầu đi vào nghiên cứu chuyên sâu từng quốc gia. Kiến thức về các triều đại của Trung Quốc, các cuộc khởi nghĩa, những nét văn hóa hay những câu chuyện đặc sắc về phong tục tập quán của người Trung Quốc đều được cung cấp cụ thể, chi tiết nhất trong môn học này. Nhờ vậy mà mình đã note Trung Quốc vào trong list những vùng đất tương lai mà mình muốn đặt chân đến ^^.
  • Các tư tưởng và tôn giáo Phương Đông: Như các bạn đã biết, hiện nay ở Châu Á có rất nhiều tôn giáo khác nhau. Và những tôn giáo đó xuất phát từ đâu, phổ biến nhất ở nước nào, chúng đã du nhập vào các quốc gia Đông Bắc Á ra sao, bị biến đổi cho phù hợp với người dân bản địa như thế nào… đều được giải đáp cụ thể trong học phần này.
  • Học phần tự chọn: Văn hóa bản địa miền Trung/Các tổ chức quốc tế/Báo chí truyền thông đại cương.

– Học kỳ II

  • Kinh tế khu vực Đông Bắc Á: Đa số các môn chuyên ngành Đông Bắc Á sẽ tập trung chủ yếu ba quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ đề cập một ít về Triều Tiên. Nên khi nghiên cứu kinh tế của khu vực, chúng ta cũng chỉ tập trung vào 3 quốc gia lớn như đã liệt kê thôi.
  • Thể chế chính trị các nước Đông Bắc Á: Chủ nghĩa, Chế độ chính trị, Hệ thống Pháp luật, bản sắc xã hội… của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
  • Lịch sử và văn hóa Hàn Quốc: Tương tự như Lịch sử và văn hóa Trung Quốc, môn học này sẽ giúp chúng ta phân tích và xâu chuỗi nguyên căn quá trình hình thành nền văn hóa Hàn Quốc, những đặc trưng văn hóa và lối sống của người dân Đại Hàn.
  • Phiên dịch Tiếng Anh
  • Lịch sử văn hóa Nhật Bản
  • Ngoại giao văn hóa: Ngoại giao là gì? Ngoại giao văn hóa là gì? Các vấn đề liên quan đến ngoại giao văn hóa, ngoại giao công chúng của các nước Đông Bắc Á sẽ được hé lộ trong học phần này nhé!
  • Nghiệp vụ quản trị văn phòng: Không ít các bạn sinh viên ra trường làm việc trong môi trường hành chính, công sở: làm thư ký, trợ lý, nhân viên văn phòng… Chính vì thế, môn học này giúp trang bị những kiến thức, yêu cầu cơ bản nhất mà một nhân viên văn phòng cần có để bạn có thể áp dụng vào thực tiễn công việc.
  • Học phần tự chọn: Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc/Nghiệp vụ du lịch/Giao tiếp liên văn hóa: Mình đã chọn “Nghiệp vụ du lịch” để có thể hiểu được cụ thể công việc mà một Hướng dẫn viên du lịch làm là gì, những nguyên tắc trong ngành du lịch, những đặc điểm của khách du lịch từ khắp đất nước: Trung, Nhật, Hàn, Ấn Độ…
Ngành Đông Phương học sẽ học về gì

Năm 4

– Học kỳ I

  • Quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á: Học phần này thực sự khó nhé các bạn vì nó buộc bạn phải xâu chuỗi tất cả những kiến thức lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ mà các bạn đã học về Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Như thế vẫn chưa đủ, các bạn phải nhanh nhạy với tin tức thời sự quốc tế, phải biết các phân tích mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội của những nước lớn này khi đặt trên bàn cân chính trị thế giới hiện nay. Môn học này đòi hỏi bạn phải tư duy, nhạy bén, logic và hơn nữa là phải đưa ra được ý kiến cá nhân đối với mỗi sự kiện, cột mốc trong quan hệ quốc tế ở khu vực này.
  • Viết luận Tiếng Anh: Học phần này giúp ích cho các bạn thi VSTEP (chuẩn đầu ra) lắm đấy vì nó giúp bạn rèn luyện khả năng viết các dạng bài Letter, Email, Essay cho kỹ năng Writing.
  • Nghiệp vụ công tác đối ngoại: Nếu các bạn có định hướng nghề nghiệp cho mình là làm cán bộ ngoại giao, nhà ngoại giao… thì học phần này thật sự rất bổ ích để bạn biết được các công tác trong đối ngoại: cách setup hội nghị hợp tác với các nước, các quy tắc cơ bản trong đối ngoại…
  • Quan hệ công chúng: Môn này còn được gọi là môn PR (Public Relations), các bạn sẽ được học về content là gì, marketing là gì, quảng cáo là gì, khái niệm, vai trò và cách hoạt động của PR là gì… Cũng nhờ học phần này mà mình đã khám phá ra được đam mê mới, mình biết đến content, biết đến quảng cáo, dẫn dắt cho mình đến với hành trình kiếm tiền online đó các bạn.
  • Luật biển quốc tế: Môn học này hầu hết là lý thuyết về các bộ Luật quốc tế, Luật biển quốc tế, giới thiệu các kiến thức cơ bản về biển, đảo, cơ chế pháp lý về phân định lãnh thổ. Đối với một số người, Luật biển quốc tế thật sự khô khan, nhưng đây cũng là cơ hội và cầu nối để mình làm quen và thân thiết với Giáo viên phụ trách học phần này. Mình rất quý cô, cũng nhờ sự cần mẫn, chăm chỉ của mình đối với môn học, cô rất quý mình và giới thiệu, giúp đỡ mình khá nhiều trong quá trình thực hiện Luận văn tốt nghiệp Đại học.
  • Thực tế: Các bạn sẽ được chọn tour Miền Bắc, Miền Nam hoặc Thái Lan, Trung Quốc để đi thực tế, tùy theo kế hoạch của mỗi trường.
  • Học phần tự chọn: Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản/Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc/Hợp tác kinh tế ASEAN+3.

– Học kỳ II

  • Thực tập tốt nghiệp
  • Học phần chuyên môn HOẶC Luận văn: Về những thắc mắc cũng như hướng dẫn làm Luận văn tốt nghiệp, mình sẽ giải đáp ở bài sau nhé!
Đông Phương học là học những gì

3. Vì sao mình chọn ngành Đông Phương học?

Từ nhỏ, mình đã có niềm yêu thích đối với các môn Khoa học Xã hội. Mình thích Lịch sử, thích Địa lý, thích viết văn, thích đọc sách văn học, thích vẽ vời.

Năm lớp 12, mình chọn Khối C để ôn thi Đại học với niềm tin: NHẤT ĐỊNH PHẢI ĐẬU NGÀNH BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG.

Đúng, nguyện vọng ban đầu của mình là Báo chí, mình thích sau này sẽ đi nhiều nơi, phỏng vấn nhiều người, dùng những con chữ của mình để đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, ba mình không đồng ý với quyết định của con gái. Thời điểm năm 2018, du lịch rất phát triển, Ngoại ngữ đang là một ngành hot, hái ra tiền nhiều. Ba hy vọng mình sẽ học Ngoại ngữ thay vì theo đuổi nghề báo vì cơ hội việc làm hiếm hoi.

Hồi đó, mình phải đấu tranh dữ dội lắm để thay đổi nguyện vọng và bước ngoặt của đời mình. Mình apply vào Đông Phương học của trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Đà Nẵng. Năm 2018, ngành Đông Phương học là một ngành mới chớm, hot và đầy tiềm năng. Mình lên mạng tra cứu tất tần tật về chương trình đào tạo, về cơ hội việc làm, về chỉ tiêu, điểm số. Lúc ấy mình nghĩ: Thật hiếm hoi khi Đông Phương học có thể thỏa mãn cho mình những kiến thức về khoa học xã hội, vừa rèn giũa, dạy mình biết thêm thứ ngôn ngữ mới bên cạnh Tiếng Anh.

Thế là mình quyết định thay đổi nguyện vọng, vẫn ôn luyện Khối C và thêm cả Tiếng Anh (Vì mình xét tuyển khối D78: Anh, Văn, KHXH). Ngày nhận kết quả trúng tuyển, mình thật sự rất vui. Vui với những ấp ủ, mong chờ những điều mới mẻ, giá trị mà ngành Đông Phương học mang lại cho mình 4 năm tới; vui vì vẫn theo đuổi được lĩnh vực mình thích, học những môn sở trường; vui vì dung hòa được mong muốn và nguyện vọng của bố mẹ: học Ngoại Ngữ.

Vì sao chọn ngành này

4. Sai lầm khi nghĩ về ngành Đông Phương học

Đông Phương học là ngành học khá mới, nó chưa được nhiều thế hệ sinh viên ra trường kiểm định lợi ích, chất lượng của ngành, hay sự cần thiết của ngành này đối với thị trường lao động. Vì thế, có một số định kiến, sai lầm của mọi người khi nghĩ về Đông Phương học rằng:

“Học Đông Phương học là học gì, học về Đông Y à?”

“Học xong ra trường bán thuốc Đông Y à?”

“Cái ngành gì mà học tùm lum thế?”

“Ngành học thập cẩm à, chưa nghe bao giờ?”

Học ngành này ra đi làm có nhiều tiền không?”

“Học ngành này thì sau này cái gì cũng biết à?”

Và vô số các suy nghĩ sai lầm khác về Đông Phương học. Mình không đồng tình với những suy nghĩ áp đặt đó.

Trước khi bạn chọn một ngành học nào đó, bạn cần phải cân nhắc, suy xét rằng ngành này có phù hợp với bản thân mình hay không, có sở trường ở khía cạnh gì để học tốt ngành này không. Đông Phương học cũng thế, bạn cũng cần phải có những tố chất để có thể học tốt, khai thác hết tiềm năng của bản thân, tận dụng triệt để tri thức mà thầy cô dạy bạn.

  • Phải có niềm đam mê với lĩnh vực xã hội, nhân văn
  • Phải có khả năng viết ở mức khá trở lên, biết cách lập luận, xâu chuỗi vấn đề bởi bạn không chỉ học các vấn đề của một quốc gia, mà là của nhiều quốc gia, của cả khu vực rộng lớn.
  • Khả năng ngoại ngữ khá: Tức là Tiếng Anh cơ bản. Trong quá trình học, các bạn sẽ được rèn luyện, học nâng cao về Tiếng Anh để có thể đọc hiểu các giáo trình, tài liệu tham khảo nước ngoài hay nghe hiểu lời giảng của giáo viên.
  • Có kiến thức về tin học văn phòng, thành thạo càng tốt: Ngay từ năm 1 các bạn đã phải làm Tiểu luận, làm Powerpoint thuyết trình rồi nên những kiến thức này cần trang bị sớm.
  • tinh thần trách nhiệm cao, có kỹ năng làm việc nhóm: Vấn nạn “tao-work” thay vì “teamwork” ở Đại học chưa bao giờ giảm. Khi tất cả các thành viên trong nhóm đều có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt công việc được giao, thì hiệu suất công việc đương nhiên sẽ tăng, kết quả nhận được cũng sẽ tốt.
  • Chăm chỉ, kiên trì: Dù bạn học bất cứ môn gì, ngành gì, lĩnh vực gì đều phải cần có sự kiên trì và chăm chỉ mới có thể chinh phục được kiến thức, đạt được kết quả, mục tiêu mà bạn mong muốn.

Trong 4 năm với rất nhiều môn học, bạn sẽ học được nhiều thứ, trau dồi được nhiều kỹ năng cần thiết. Dù học nhiều môn, dàn trải trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ, xã hội… của các quốc gia Phương Đông, nhưng nó không hề “thập cẩm”. Các học phần đều logic với nhau, định hình tư duy nghiên cứu, học phần này bổ trợ học phần kia, chứ không có chuyện học “tùm lum” nhưng không dùng được các bạn nhé!

Mỗi một chương trình đào tạo của tất cả các ngành, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các Giáo sư, Tiến sĩ đã nghiên cứu và đưa ra lộ trình các môn học cần thiết nhất, tốt nhất cho chuyên ngành đó. Và chúng thật sự có ích, hỗ trợ cho sinh viên chứ không hề thừa thãi.

Giả sử sau này các bạn làm Hướng dẫn viên du lịch thì kiến thức bạn cần có là: Ngoại ngữ, kiến thức về nghiệp vụ du lịch, kiến thức về lịch sử, văn hóa quốc gia mà du khách các bạn sinh sống. Thì học phần “Nghiệp vụ du lịch”, Tiếng Anh, Tiếng Trung/Hàn/Nhật, các học phần chuyên sâu về các vấn đề văn hóa xã hội các nước Phương Đông chắc chắn rất hữu ích và giúp các bạn cực kỳ nhiều trên con đường trở thành Hướng dẫn viên du lịch.

Hoặc một trường hợp khác, khi bạn muốn trở thành cán bộ ngoại giao làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế thì môn “Nghiệp vụ quản trị văn phòng”, “Nghiệp vụ công tác đối ngoại”… phát huy tác dụng tối đa nhất, giúp bạn phát triển tốt đúng không nào?


Thực chất, đối với bất cứ một vấn đề nào trong xã hội đều có 2 luồng quan điểm tích cực và tiêu cực. Nói đến việc chọn ngành học cũng vậy. Điều cốt lõi chính là bạn phải hiểu chính mình, hiểu sở trường, biết cách khai phá tiềm năng của bản thân. Hơn nữa. đừng nên a dua theo phong trào, cứ thấy ngành này hot, nhiều người học thì đăng ký mà không biết nó có thực sự hợp với bạn hay không, bạn có nhìn thấy được tương lai khi mình học ngành này hay không.


Định kiến về ngành Đông Phương học

5. Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Đông Phương học

Là một ngành học tích hợp cả việc nghiên cứu các lĩnh vực xã hội của các nước phương Đông cùng với Ngoại ngữ của một số quốc gia đó, sinh viên Đông Phương học sau khi tốt nghiệp sẽ trang bị được đầy đủ kiến thức chuyên ngành để có thể thích ứng trong các môi trường làm việc khác nhau.

Đa số sinh viên ngành Đông Phương học đều có tư duy phân tích, tổng hợp dữ liệu đa lĩnh vực rất tốt; sáng tạo không ngừng; có kỹ năng tổ chức sự kiện, làm việc nhóm, làm việc cá nhân; có tư duy phản biện khi tranh luận các sự kiện quan hệ quốc tế; có tư duy logic khi xâu chuỗi, gắn kết các vấn đề xã hội.

Cơ hội việc làm của sinh viên

Sinh viên tốt nghiệp có thể tham khảo các công việc sau:

  • Biên/Phiên dịch
  • Hướng dẫn viên du lịch
  • Cán bộ/Nhà ngoại giao
  • Cán bộ đối ngoại tại các cơ quan ngoại giao như Sở Ngoại Vụ, Trung tâm Hợp tác Phát triển… hoặc các cơ quan báo chí – truyền thông hoặc làm việc trong các cơ quan đại diện của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ.
  • Làm việc tại các công ty nước ngoài
  • Biên Tập Viên
  • Chuyên viên quan hệ quốc tế
  • Giảng viên giảng dạy về Ngoại ngữ, nghiên cứu về lịch sử văn hóa Phương Đông…
  • Trợ lý Giám đốc, Thư ký…

Thật sự có rất nhiều nghề đúng không, kể cả bạn muốn làm một nghề trái với ngành học như Content Creator, Blogger như mình chẳng hạn, bạn cũng sẽ vận dụng tốt những kiến thức đã học được suốt 4 năm trên ghế nhà trường.


Kiến thức chẳng bao giờ là thừa thãi, tất cả những gì mà bạn học được đều sẽ có ích cho bạn nếu bạn biết sử dụng nó.


Hiện tại mình đang là Freelancer về Content. Nghề này chẳng liên quan đến ngành mình học, nhưng mình vẫn vận dụng được những kiến thức, kỹ năng mà mình tích lũy từ 4 năm học Đông Phương học. Bên cạnh đó, các khóa học miễn phí, khóa học có phí, các buổi workshop… cũng giúp mình nâng cao khả năng tư duy, học hỏi nhiều điều mới để phát triển bản thân.

Vì thế, mình đảm bảo rằng, cơ hội việc làm của ngành Đông Phương học rất rộng mở, đa dạng. Quan trọng là bạn có kế hoạch học tập như thế nào, dự định trong tương lai để có thể cố gắng học thật tốt, phát huy hết sức có thể tiềm năng của chính mình. Chỉ cần bạn học tốt, phát triển tốt, bạn sẽ tự nhìn thấy cơ hội việc làm cho bản thân và không sợ thất nghiệp.

Ngành Đông Phương học rất thú vị đó các bạn. Nếu như các bạn yêu thích ngành nghề này, có mục tiêu rõ ràng thì hãy mạnh dạn lựa chọn chứ đừng nghe theo những lời đàm tiếu, những định kiến sai lầm của người khác mà chùn bước chân. Không ai có trách nhiệm với lựa chọn và quyết định của bạn ngoại trừ chính bạn.

Cuối cùng, thông qua bài viết chia sẻ những điều mới mà ít ai nói đến về ngành Đông Phương học, mình hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ những bạn đang cảm thấy mờ mịt, phân vân khi lựa chọn ngành học của mình. Chúc các em có thể dũng cảm đối mặt với bản thân, tự tin, mạnh dạn cho quyết định của bản thân.

Đề cử bài viết nổi bật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »