Quá trình làm Khóa luận tốt nghiệp lâu và phức tạp. Bởi dung lượng của một Khóa luận lên đến cả 100 trang. Ở phần 1, mình đã nêu 5 giai đoạn mở đầu của việc làm Khóa luận. Vì thế, mình sẽ tiếp tục chia sẻ các bước tiếp theo cùng những khó khăn cụ thể nhất trong phần 2 này.
Mục lục đọc nhanh
- 6. Chỉnh sửa ĐCCT và chốt tên đề tài Khóa luận tốt nghiệp
- 7. Tìm kiếm, đọc các tài liệu tham khảo để tìm ý tưởng
- 8. Lập bảng kế hoạch, bắt đầu viết từng phần của Khóa luận
- 9. Gửi bài cho GVHD, kiểm tra lỗi chính tả, diễn đạt và check đạo văn
- 10. Giai đoạn “bầm dập” quyết định: Bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp
6. Chỉnh sửa ĐCCT và chốt tên đề tài Khóa luận tốt nghiệp
Sau buổi bảo vệ ĐCCT, mình cùng GVHD xem xét các góp ý của Hội đồng và chỉnh sửa Dàn ý hoàn thiện hơn. Tiếp đó, Trường sẽ gửi danh sách để mình điền tên đề tài cuối cùng mà mình chọn. Lưu ý là chốt tên đề tài thật kỹ lưỡng vì không có cơ hội nào để đổi tên nếu giữa lúc viết bài bạn bỗng muốn sửa tên.

7. Tìm kiếm, đọc các tài liệu tham khảo để tìm ý tưởng
Giai đoạn này mình cảm thấy mất rất nhiều thời gian luôn. Mình phải tra cứu tất cả các đầu sách liên quan đến chủ đề mà đề tài mình đang làm. Vậy mình thường tìm ở đâu?
7.1. Tìm ở thư viện
Mình tìm tài liệu ở Thư viện trường, Thư viện Thành phố và các Thư viện của trường khác. Việc này cũng rất nhanh vì các Thư viện đều có hệ thống online, tra cứu rất dễ dàng.
7.2. Tìm bằng các công cụ tìm kiếm, trang web
a) Google Scholar: Mình tìm tài liệu ở đây là nhiều nhất.
Đầu tiên, bạn không nên gõ nguyên cả tên đề tài vào khung tìm kiếm, nó sẽ không hiện ra kết quả mà bạn muốn đâu. Hãy gõ từng cụm từ khóa.
Ví dụ: Đề tài mình là “Xung đột Trung Quốc – Đài Loan tác động đến an ninh khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2016 – 2021”. Từ khóa là: xung đột Trung Quốc – Đài Loan; quan hệ giữa hai bờ eo biển, quan hệ giữa Trung Quốc – Đài Loan; an ninh khu vực Đông Nam Á…
CẦN tìm kiếm bằng từ khóa Tiếng Anh bên cạnh Tiếng Việt. Các nghiên cứu ở nước ngoài rất nhiều, đa dạng và hữu ích. Thậm chí, bạn còn tìm được nhiều hơn là tài liệu Tiếng Việt đó.
Sau khi tìm được các bài báo nghiên cứu và sách liên quan đến đề tài, bạn hãy xem công trình đó có file PDF để download không. Nếu không có, bạn hãy tìm cho ra link “doi” của bài đó để download nó trên Sci-hub.
b) Sci-hub
Sci-hub được xem là một Thư viện “bóng tối” bởi nó cung cấp hàng triệu tài liệu nghiên cứu, bản ebook sách miễn phí mà không quan tâm đến bản quyền. Đây chính là một trong các công cụ tìm kiếm tài liệu cực kỳ hữu dụng luôn.
Cách tìm link “doi” để tra cứu tài liệu:
- Copy tiêu đề sách, bài báo và tìm bằng Google Chrome
- Vào từng trang web hiển thị, xem có web nào có link doi không
- Copy những số phía sau doi.org đó, paste vào ô tìm kiếm trên trang sci-hub (mình có hướng dẫn ở hình bên dưới, bạn kéo xuống nha)
- Download tài liệu về máy

c) Google Chrome
Tìm kiếm trên Google Chrome chủ yếu là các bài báo online, báo chính phủ đăng tải. Bạn có thể tham khảo chúng để lấy thêm dẫn chứng, tư liệu… Vẫn nên tra cứu cả Tiếng Việt lẫn Tiếng Anh (Tiếng nước ngoài) nhé!
d) ScienceDirect
Đây là trang web do nhà xuất bản Elsevier điều hành, có hơn 2.500 tạp chí khoa học và hơn 26.000 sách điện tử cho bạn tha hồ tìm đọc luôn.
e) Trang web vi.vn1lib.org
Đây là một phần của dự án Z Library nè, mình vừa phát hiện ra web này cực kỳ xịn, rất nhiều đầu sách được download miễn phí, đa dạng lĩnh vực từ Tiếng Việt đến Tiếng Anh luôn í.
f) Trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ
Mình tìm được web này chứa rất nhiều bài báo nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở đây luôn nè. Rất bổ ích cho mình trong việc hệ thống các công trình nghiên cứu có sẵn trong nước để kế thừa từ cơ sở lý luận của họ.
g) Xem Thời sự, Youtube
Đề tài của mình thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế, vì thế cần phải xem thời sự hằng ngày, xem kênh Youtube của Đài truyền hình, các chính trị gia phân tích vấn đề đó ra sao để tham khảo cách tiếp cận và đánh giá vấn đề. Bổ ích lắm luôn. Mình học cách tham khảo tài liệu này từ ba mình nè, bởi ba hay mở kênh Youtube nghe mấy tin tức quốc tế lắm.
7.3. Phân chia tài liệu tìm được vào Folder riêng dành cho Khóa luận tốt nghiệp
Sau khi đã download các đầu sách, tài liệu, mình sẽ chia chúng ra thành các folder nhỏ bên trong một folder tổng. Mỗi folder nhỏ sẽ đặt tên cho nó theo từng từ khóa, hoặc ghi “Chương 1”, “Chương 2”, “Tài liệu Tiếng Anh”, “Tài liệu đã dịch”… để có thể dễ dàng tìm nó khi cần.
7.4. Đọc, tóm tắt và note những ý quan trọng
Để phục vụ cho việc làm Khóa luận tốt nghiệp, mình đã đọc không dưới 300 tài liệu nghiên cứu để có ý tưởng viết bài. Con số rất nhiều đúng không nè.
TUY NHIÊN mình không đọc hết chúng mà mình sẽ lướt tìm phần mà mình cảm thấy cần thiết, tóm tắt xem phần đó họ viết thứ gì. Sau đó highlight, note những dẫn chứng, luận điểm, lý thuyết quan trọng, hay ho.
CẦN sắp xếp, phân chia tài liệu theo từng ngày để không cảm thấy chán vì nhồi nhét quá nhiều kiến thức.
8. Lập bảng kế hoạch, bắt đầu viết từng phần của Khóa luận
Thật khó có thể hoàn thành Khóa luận dài gần 100 trang nếu không lập bảng kế hoạch cụ thể. Mình bắt đầu làm Khóa luận tốt nghiệp từ giữa tháng 1. Trước đó, mình lập một bảng kế hoạch, setup lịch cụ thể rằng: Chương 1 sẽ bao gồm mấy tiểu mục, mỗi tiểu mục ước lượng sẽ viết trong mấy ngày là PHẢI xong. Thông thường, 1 tiểu mục mình mất 3-5 ngày để hoàn thành nó bao gồm cả việc đọc tài liệu.
Trong quá trình viết luận, bạn cần phải trình bày rõ với GVHD rằng ở mục đó bạn sẽ triển khai luận điểm như thế nào, dẫn chứng ra sao. Có những mục mình chẳng biết viết thế nào tại vì không có thông tin hay ý tưởng gì về nó, mình luôn hỏi thầy để có thể gợi mở một số luận điểm mới.
Khi viết xong một chương, hãy gửi cho GVHD đọc qua và sửa. Trong lúc chờ sửa chương 1 thì bạn hãy bắt đầu làm chương 2.
KHÔNG NÊN làm xong hết toàn bộ mới đưa cho GVHD sửa 1 lần nhé! Bởi nếu Chương 2 và 3 liên quan với nhau, mà bạn làm Chương 2 sai thì Chương 3 coi như xong. Rất phí thời gian và khiến bạn nản, chả nghĩ ra được gì để sửa.

9. Gửi bài cho GVHD, kiểm tra lỗi chính tả, diễn đạt và check đạo văn
Sau khi GVHD sửa từng chương cho bạn, bạn hãy ráp chúng lại với nhau, hoàn thành mục Mở đầu, Kết luận, TLTK, Phụ lục rồi gửi File hoàn chỉnh cho GVHD.
Cố gắng kiểm tra lỗi chính tả, diễn đạt một cách thật kĩ càng.
Khâu quan trọng nhất hiện giờ là Check đạo văn. Mình thường hay check ở:
NHƯNG QUAN TRỌNG LÀ lúc viết bài bạn hãy chú ý trong việc trích dẫn nhé. Phần mềm Turnitin của Trường check “ghê” lắm nên lòi ra hết á. Khóa luận tốt nghiệp dài thòng lòng như vậy thì buộc trích dẫn TLTK phải nhiều rồi.

10. Giai đoạn “bầm dập” quyết định: Bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp
Cho đến thời điểm hiện tại, hễ nhắc đến buổi bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp là mình ớn lạnh. Buổi bảo vệ Khóa luận ấy khắc sâu trong tâm trí mình, ám ảnh luôn nên mình khuyên các bạn nên chuẩn bị tinh thần thật tốt.
Các bạn cần chuẩn bị:
- Slide gọn gàng, cô đọng vì chỉ trình bày trong vòng 10 phút đổ lại thôi.
- Viết tất cả những gì bạn định nói ra giấy: Thuyết trình tầm 10 phút đổ lại, nếu bạn xếp gần cuối thì có thể sẽ chỉ còn 5 – 7 phút. Bạn không cần nói dài dòng, trình bày những thứ đã có trong bài luận bởi Hội đồng đã “cày” bài của bạn cả tháng trời rồi.
- Đọc lại toàn bộ bài luận của bạn, ghi nhớ những luận điểm chính, dẫn chứng quan trọng để trả lời câu hỏi. Thường các câu hỏi phản biện không quá sâu xa, chủ yếu xoay quanh những gì bạn nói trong bài. Hội đồng đặt câu hỏi để kiểm tra xem bạn có hiểu hết và rõ đề tài hay không.
- Tập thuyết trình trước gương hoặc nhờ bạn bè ngồi nghe bạn trình bày.
- Chuẩn bị trang phục lịch sự, gọn gàng, có thể mặc áo dài cho thanh lịch. Quần áo không cần quá đẹp, miễn làm bạn cảm thấy thoải mái nhất là được.
- Bình tĩnh, tự tin, cố gắng nói lưu loát, rõ ràng. Thuyết trình xong nhớ nói cảm ơn.
- Nên in ra một bản cứng Khóa luận tốt nghiệp để thuận tiện cho việc theo dõi, ghi chép nhận xét.
Sau khi bạn đã trình bày xong, Hội đồng sẽ nhận xét và góp ý đề tài của bạn. Thời gian tầm 20 – 30 phút.
Hội đồng bảo vệ Khóa luận của mình có một giáo viên mà mình rất “”rén” vì cô nổi tiếng thẳng tính và khó. Cô nhận xét rất nhiều, cụ thể, chi tiết từng tiểu mục, từng câu chữ. Giọng văn của mình trong bài Luận có phần hơi “đanh thép”, “quyết liệt” nên lúc cô nhìn và bảo mình nên tiết chế lại mà mình run cầm cập, rúm người lại luôn.
Các bạn nên bật Ghi âm của điện thoại đặt gần bàn của Hội đồng, cũng như ghi chép ngắn gọn, đánh dấu những phần mà bạn cần chỉnh sửa. Đa số các góp ý của Hội đồng bảo vệ Khóa luận gần như buộc bạn phải sửa lại đúng i chang mới có thể được duyệt qua và in cuốn Final nhé!
LƯU Ý QUAN TRỌNG: Không nên BẬT LẠI Hội đồng nhé!
Khi Hội đồng nhận xét, góp ý, bạn cứ ghi chú lại, thể hiện thái độ ghi nhận, tiếp thu sẽ tạo thiện cảm hơn là tranh luận. TUYỆT ĐỐI không được cứng đầu, cố chấp tranh luận bảo vệ quan điểm của mình nhé! Dễ mất điểm lắm ấy!
Cuối cùng, sau buổi Bảo vệ, bạn sẽ có tầm 10 ngày để thảo luận với GVHD những chỗ cần chỉnh sửa để Khóa luận hoàn hảo hơn. Tiếp đó, bạn điền vào Form giải trình chỉnh sửa luận văn và in cuốn Final. In xong cuốn Final bìa nhũ vàng, bạn sẽ nộp lại để Hội đồng chấm một lần cuối trước khi lưu trữ.

Hành trình làm Khóa luận tốt nghiệp khá gian nan và vất vả. Tuy nhiên, từ việc làm Khóa luận, mình đã học được rất nhiều bài học quý giá, kỹ năng mà mình chưa từng biết. Ngoài ra, nếu sau này các bạn muốn xin học bổng học Thạc sĩ, Khóa luận chính là điểm cộng đó.
Trên đây là toàn bộ quá trình cũng như kinh nghiệp mà mình làm Khóa luận tốt nghiệp đạt được điểm xuất sắc. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn sinh viên năm 3 sắp sửa bước vào năm cuối cùng của quãng đời sinh viên. Chúc các bạn hoàn thành tốt nhé!
Đọc Phần 1 ở đây nhé!