Tính đến nay cũng gần 2 tháng mình bảo vệ xong Khóa luận tốt nghiệp (Luận văn), kết thúc chuỗi ngày “chầm cảm” nặng nề vì deadline. Và thật vui khi điểm số mà mình nhận được đúng như mong đợi. Mình biết có một số bạn sinh viên vẫn còn đang đắn do, do dự rằng có nên làm Khóa luận tốt nghiệp hay học Học phần chuyên môn? Bài viết này sẽ chia sẻ tất tần tật quá trình mình làm Khóa luận tốt nghiệp như thế nào nhé!
Mục lục đọc nhanh
1. Giai đoạn chờ danh sách sinh viên đủ điều kiện làm Khóa luận
Mỗi trường, mỗi ngành đều có tiêu chí riêng. Có ngành bắt buộc tất cả sinh viên đều phải làm Khóa luận tốt nghiệp. Nhưng có ngành chỉ giới hạn những sinh viên đủ điều kiện đề ra mới được phép làm, số còn lại thì học Học phần chuyên môn (HPCM).
Điều kiện của trường mình là:
- Điểm tích lũy học tập của 6 kỳ phải từ 7.8 trở lên
- Điểm môn “Phương pháp luận NCKH” bắt buộc trên 7.0
- Điển rèn luyện trên 80 điểm
Lúc mới bắt đầu kỳ 1 của năm 4, mình đã suy nghĩ dần đến việc có nên làm Luận văn tốt nghiệp hay không. Ngành của mình nếu không làm Khóa luận thì có thể học HPCM. TUY NHIÊN, đa số các anh chị khóa trên đều khuyên tụi mình rằng, muốn có điểm số cao thì nên làm Khóa luận, học HPCM hiếm khi được điểm cao lắm.
Mình đã có kinh nghiệm làm NCKH rồi nhưng thực sự vẫn “rén” vì Khóa luận không chỉ là bài tiểu luận bình thường, nó là cả 1 công trình nghiên cứu gần 100 trang. Lúc ấy mình nghĩ: chữ ở đâu mà viết lắm thế.
Nhưng nếu học HPCM, mình sẽ khó có được điểm số cao, cụ thể là trên 9. Thế là mình quyết định làm Khóa luận tốt nghiệp. Tất nhiên là mình đủ điều kiện làm rùi.

2. Giai đoạn chọn đề tài cho Khóa luận
Khâu này thật sự rất đau đầu luôn ấy các bạn. Mình phải mất gần 1 tháng mới cân nhắc chọn lĩnh vực mà mình muốn làm, sau đó mới nghĩ ra tên đề tài.
a. Đầu tiên, tùy vào ngành học của mình, các bạn có thể chọn chủ đề mà mình chuyên về nó
Ví dụ: Mình học Đông Phương học, thế mạnh của mình không phải là Ngoại ngữ, mà là nghiên cứu. Thế mình hay nghiên cứu những gì? => Tất cả các vấn đề liên quan đến văn hóa, tôn giáo, lịch sử, quan hệ quốc tế của các quốc gia ĐBA đều là những lĩnh vực mà mình tự tin có thể viết bài được về nó.
b. Nên đọc thật nhiều sách, báo, tham khảo các ý kiến của giáo viên để lấy cảm hứng cho tên đề tài, tính khả thi của đề tài
Như mình: Kỳ 1 năm 3 mình có học 1 môn “Quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á”. Trong quá trình học, cô giáo có dạy về quan hệ Trung Quốc – Đài Loan. Khi mình search trên mạng, không có nhiều tài liệu mới nghiên cứu về quan hệ 2 nước này trong những năm gần đây. Mình nghĩ đề tài này thực sự khá mới và hay nè. Mình quyết định chọn.
c. Nên tìm kiếm những tài liệu nghiên cứu trước đó
Bạn cần tìm kiếm, đọc thật nhiều những công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến lĩnh vực, đề tài bạn làm.
Luận văn không giống NCKH. Nếu NCKH đề cao tính mới, sáng tạo thì Luận văn quan trọng tính logic, mức độ tổng hợp kiến thức, khả năng nghiên cứu, kinh nghiệm mà bạn đã học được từ chuyên ngành trong suốt 3 năm.
Nếu bạn chọn 1 đề tài quá xa xôi, không thiết thực, không có nhiều TLTK thì làm sao mà bạn viết, làm sao đủ Cơ sở lý luận để bạn dựa vào làm.

3. Giai đoạn tìm Giáo viên hướng dẫn
Trong bài “Bí quyết đạt giải cao cho sinh viên khi tham gia NCKH”, mình có nhắc đến tầm quan trọng của việc chọn GVHD thì đối với Khóa luận, việc tìm cho mình GVHD có tâm sẽ quyết định mức độ thành công của đề tài.
Khóa luận tốt nghiệp có đến tận 8 tín chỉ, thực hiện trong suốt cả 1 học kỳ. Hơn nữa, nó còn là 1 bài luận lớn, quan trọng để bạn có thể tốt nghiệp.
=> Cho nên, hãy tìm 1 GVHD giỏi, chuyên và có tâm với sinh viên.
Mình từng bị 3 giáo viên từ chối nhận hướng dẫn đề tài. Bởi vì các cô không chuyên về đề tài mình chọn và đã full slot ><. Sau đó, mình may mắn được cô giới thiệu cho một thầy cực kỳ xịn, chuyên về Trung Quốc luôn.
Vì thế, các bạn nên tranh thủ nghĩ tên đề tài thật sớm, liên hệ gấp với giáo viên mà bạn muốn họ hướng dẫn. Đừng để đến buổi Tư vấn làm Khóa luận tốt nghiệp mới nghĩ đến tên đề tài. Lúc ấy hầu như các thầy cô giỏi, xịn của Khoa đã đủ sinh viên rùi.
HẠN CHẾ để Khoa sắp xếp đề tài của bạn cho giáo viên bất kỳ nhé.
- Thứ nhất là bạn có thể không thích giáo viên mà Khoa chọn, dễ bất đồng quan điểm.
- Thứ hai là có 1 số giáo viên không chuyên về lĩnh vực đề tài của bạn.
- Thứ ba là có trường hợp, GVHD đó quá hời hợt, không có tâm, để bạn tự biên tự diễn một mình, qua loa tắc trách.

4. Giai đoạn viết Đề cương chi tiết (ĐCCT)
Mỗi Khoa sẽ có quy định khác nhau về ĐCCT. Nhưng thông thường thì nó sẽ gồm:
PHẦN 1. MỞ ĐẦU
- Tính cấp thiết của đề tài
- Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu
- Câu hỏi nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu
- Đóng góp của Luận văn
- Cấu trúc tổng quát của Luận văn
PHẦN 2. DÀN Ý CHI TIẾT CỦA KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Cần xác định bài luận của bạn gồm mấy chương. Thông thường sẽ là 3 hoặc 4 chương.
Viết dàn ý các Chương thật CỤ THỂ, RÕ RÀNG rằng ở chương đó, mục đó bạn sẽ viết cái gì? Ước lượng tầm bao nhiêu trang. Đảm bảo mỗi chương phải đồng đều nhau nhé. Không thể nào Chương 1 10 trang, Chương 2 20 trang mà Chương 3 tới tận 4-50 trang…
Hãy viết ra hướng đi, những gì sẽ triển khai ở từng tiểu mục để thầy cô biết bạn đi có đúng đường hay không.
PHẦN 3. KẾT LUẬN (phần này thực sự chưa cần viết đâu á)
PHẦN 4. DANH MỤC TLTK
Hãy liệt kê các tài liệu tham khảo bạn đã tìm được, có thể dùng để làm cơ sở lý thuyết, tham khảo hướng nghiên cứu của các tác giả.

5. Giai đoạn “bầm dập” đầu tiên: Bảo vệ ĐCCT của Khóa luận
Trước ngày bảo vệ ĐCCT, mình khá tự tin về Dàn ý của mình. File ĐCCT đầu tiên mình gửi thầy hướng dẫn như đống “bùi nhùi” luôn, nên thầy đã góp ý, sửa cho mình chỉn chu từng li từng tí.
TUY NHIÊN, mình vẫn bị “sốc” trong buổi bảo vệ ĐCCT. Đề tài của mình khá mới, hơn nữa mình chọn hướng đi khác với các hướng đi cũ của những công trình có sẵn.
Nó có tên: “Xung đột Trung Quốc – Đài Loan tác động đến an ninh khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2016 – 2021”.
Các thầy cô đều hỏi: “Sao em không chọn làm Đông Bắc Á mà lại chọn Đông Nam Á, cô đâu thấy nó tác động nhiều đâu?”
“Sao em nghĩ nó là xung đột, mà không phải là mâu thuẫn giữa 2 nước”
“An ninh là gì? Em đang dùng khái niệm an ninh ở phạm trù nào? An ninh truyền thống hay phi truyền thống? An ninh khu vực là gì???”
“Cô nghĩ em nên làm tác động đến ĐBA vì nó không ảnh hưởng mấy đến ĐNA đâu?”
“Đề tài này liệu có khả thi hay không? Em nên suy nghĩ về cách tiếp cận hoặc đổi đề tài khác”
…
Rất nhiều những câu hỏi, nhận xét, góp ý của Hội đồng khiến mình thực sự “ngộp thở” luôn và cứng họng. Đơn giản chỉ vì mình chưa có đủ thời gian nghiên cứu kỹ đề tài của mình, mình chỉ mới nghĩ ra cái tên, nghĩ ra hướng đi chứ chưa nghiên cứu sâu. Thế nên mình không đủ kiến thức để bảo vệ quan điểm của mình.

Mình vác tấm thân nặng nề, u ám về đến nhà. Gọi điện ngay cho thầy hướng dẫn, kể tất cả những gì xảy ra ở buổi bảo vệ. Mình còn nghĩ chắc phải đổi đề tài thôi.
Rồi thầy bắt đầu phân tích cho mình hiểu rõ cốt lõi đề tài, phản biên lại tất cả những góp ý của Hội đồng, khai thông cho mình về tính khả thi của đề tài.
Thầy bảo: “Các thầy cô có thể chưa hiểu rõ hướng đi của em, tác động đến an ninh ĐBA thì người ta làm nhiều rồi, có gì đâu nữa mà làm. Sao lại không tác động đến an ninh ĐNA, có nhiều nữa là đằng khác”.
Thế là mình đã vực dậy tinh thần sau lần “bầm dập” đầu tiên như thế đấy. Đến đây thì các bạn cũng đã hiểu rõ 1 phần lý do vì sao mình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn GVHD rồi đó.
Bạn chọn đúng, người đó sẽ định hướng cho bạn đường đi nào là phù hợp, khai thông cho bạn những khúc mắc mà bạn chưa gỡ được.
Bạn chọn sai, người đó sẽ không giúp bạn có được một dàn ý hoàn chỉnh nhất, không sửa và giải đáp những điều mờ mịt mà bạn không biết. Thậm chí sẽ để bạn tự sửa theo lời Hội đồng, đến đâu thì đến. Bạn của mình cũng từng bị thế đấy.
Chung quy lại, buổi bảo vệ ĐCCT sẽ là nơi bạn nhận được nhiều lời nhận xét, góp ý, những cách tiếp cận khác nhau từ các thầy cô có kinh nghiệm trong nghiên cứu.
Bạn cần ghi chép và bàn bạc với GVHD, quyền quyết định có tiếp tục đề tài đó không nằm ở bạn và GVHD.
Chứ không phải nghe họ nói sửa gì thì sửa theo mà không cần biết đúng sai, không cần biết nó có phù hợp với định hướng nghiên cứu của bạn hay không.
Bởi những lời góp ý của Hội đồng là đa chiều, và chủ yếu họ hỏi nhiều như thế để xem xem bạn có bảo vệ được quan điểm của mình không, hướng đi của bạn thực sự đúng chưa. Khảo nghiệm tinh thần của bạn đó =))).
Mới chỉ là bảo vệ ĐCCT thôi nên là cứ thoải mái trình bày quan điểm cá nhân, tranh thủ tham khảo nhiều ý kiến, góc tiếp cận nhé!
Xem tiếp ở đây nè: Phần 2