Làm thế nào để đạt Học bổng trên Đại học: Bí kíp từ sinh viên từng đứng gần “bét lớp”

Đạt Học bổng trên Đại học

Năm nhất, khi vừa bước chân vào cánh cổng Đại học, mình chưa từng nghĩ sẽ phấn đấu đạt Học bổng bởi mình nghĩ nó quá xa xôi. Vì không có một chiến lược học tập hiệu quả nào, 3 học kỳ liên tiếp, GPA của mình gần như đứng bét luôn.

Mình chợt nhận ra bản thân đã quá lơ là việc học. Sau đó, mình mất gần 1 tuần để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Và kể từ học kỳ 2 năm hai, mình chưa từng trượt học bổng kỳ nào và điểm số luôn nằm trong Top đầu sinh viên toàn ngành.

Chính vì thế, mình hiểu được những mông lung mơ hồ của các bạn sinh viên muốn đạt Học bổng nhưng chưa tìm ra cách. Bài viết này, mình sẽ chia sẻ các bí kíp đúc kết từ kinh nghiệm học tập của bản thân để luôn đạt Học bổng trên Đại học nhé!

Mục lục:
1. Tìm hiểu trước về chương trình học trong kỳ
2. Không được bỏ quên điểm chuyên cần (20%)
3. Tạo mối quan hệ tốt với giáo viên bộ môn
4. Phát biểu, nghe giảng chăm chú, ghi chép kĩ càng
5. Tìm hiểu bài, ôn bài trước và sau khi lên lớp
6. Sắp xếp kế hoạch ôn tập
7. Đầu tư vào điểm rèn luyện

1. Tìm hiểu trước về chương trình học để dễ lập mục tiêu đạt Học bổng

Mỗi kỳ sẽ có chương trình học khác nhau, bạn cần chia các học phần làm 2 nhóm:

  • Môn học “nhẹ”: Các môn 2 tín chỉ thường sẽ nhẹ nhàng hơn môn 3 – 4 chỉ. Bạn “được quyền” B ở các môn này nhưng phải ở khoảng từ 7 trở lên nhé. HẠN CHẾ tối đa và cố gắng A hết mức có thể.
  • Môn học “nặng”: 3 – 4 chỉ là các môn khá nặng, thường là chuyên ngành. Vì thế tuyệt đối đừng để các môn này bị điểm B nhé. Hãy cố gắng giật điểm 8,5 trở lên ở các môn này.

Tìm hiểu giáo trình các môn, tiêu chí chấm điểm từ anh chị khóa trước. Đọc qua giáo trình để nắm được “sơ đồ” kiến thức phải học ở từng môn. Hỏi các anh chị rằng từng môn sẽ có hình thức kiểm tra như thế nào, giáo viên có khó không…

Tìm hiểu về chương trình học

2. Không được xem nhẹ điểm chuyên cần (20%)

Các bạn thường hay xem nhẹ điểm chuyên cần 20% lắm vì nó chiếm phần trăm điểm nhỏ. Tuy nhiên, một trong những lợi thế để mình đạt Học bổng là nỗ lực đạt điểm chuyên cần tối đa.

Hồi năm nhất mình lười đi học lắm luôn. Môn nào mình cũng từng nghỉ 2 – 3 buổi vì ngủ nướng vào buổi sáng. Sau đó, vì lười nên giả bộ nhắn tin xin phép giáo viên là bị ốm. Tuy nhiên vẫn bị trừ điểm chuyên cần ><.

Điểm chuyên cần không chỉ là điểm mà bạn đi học đầy đủ mỗi buổi mà còn là điểm phát biểu bài tập, bài thảo luận, thuyết trình mini trên lớp. Trung bình chúng ra mới là điểm thực sự của cột 20% này.

Không được xem nhẹ điểm chuyên cần

3. Tạo mối quan hệ tốt với giáo viên bộ môn

Năm nhất mình rất nhút nhát, chưa lần nào dám phát biểu trên lớp luôn. Mỗi lần thầy cô nhìn xuống lớp hoặc gọi bất kỳ người nào trả lời câu hỏi là mình “rúm” lại.

Từ lúc quyết tâm học hành tử tế để đạt Học bổng, mình đã vượt qua được nỗi sợ, khắc phục tình trạng nói lắp mỗi lúc run và hồi hộp.

  • Giơ tay phát biểu liên tục trên lớp tất cả các môn.
  • Đi học sớm và tranh ngồi bàn đầu, gần bàn giáo viên càng tốt để thầy cô nhớ mặt.
  • Chủ động nhận việc “vặt” mà giáo viên bộ môn nhờ vả. Ví dụ: Mình xung phong nhận việc thông báo cho lớp về lịch học, lịch nộp bài tập, những điều chỉnh đột xuất từ giáo viên, đại diện lớp xin dời lịch học, hay trao đổi các vấn đề về bài kiểm tra.

Thành quả là các giáo viên bộ môn rất quý mình, nhớ tên, nhớ mặt giữa 1 rừng sinh viên. Mình còn được cộng thêm 1 – 2 điểm ở cột Chuyên cần (20%) hoặc Giữa kỳ (30%).

Tạo mối quan hệ tốt với giáo viên

4. Phát biểu, nghe giảng chăm chú, ghi chép kĩ càng

4.1. Phát biểu

Như mình đã nói ở trên, việc siêng năng phát biểu bài sẽ giúp bạn có thêm điểm bài tập. Đồng thời, khi phát biểu bài, bạn rèn được khả năng tư duy, phản biện, có thể tiếp cận nhiều góc nhìn của một vấn đề. Đặc biệt bạn còn nhớ kiến thức lâu hơn nữa đó.

4.2. Nghe giảng

NGHE GIẢNG chăm chú sẽ giúp bạn gây ấn tượng, tạo điểm cộng trong mắt giáo viên. Thầy cô luôn thích những học trò siêng năng. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với giảng viên và kiến thức họ đang dạy bạn. Nếu bạn làm giáo viên, bạn CHẮC CHẮN không thích lúc bạn giảng hăng say trên lớp nhưng chẳng ai bên dưới hứng thú hay muốn nghe.

Đại học rất khác với Cấp 3. Ở Cấp 3, khi không nghe giảng sẽ bị “bế” ngay vào sổ đầu bài. Còn ở Đại học, bạn nghe hay không kệ bạn, giáo viên không có trách nhiệm với việc tiếp thu kiến thức ở trường của bạn. Thế nên, bắt buộc bạn phải TỰ GIÁC, tự chủ động học chứ đừng để ai nhắc.

4.3. Ghi chép kĩ lưỡng giúp bạn đạt điểm cao và giành được Học bổng

Hồi năm nhất, mình dường như chỉ highlight nội dung trong giáo trình chứ chả ghi chép đàng hoàng gì cả.

Sau đó, mình đã tập trung nghe giảng và ghi chép kĩ lưỡng hơn trên lớp. Theo mình nghiệm được, đề thi Giữa kỳ và Cuối kỳ có từ 30% kiến thức mà giáo viên giảng trên lớp (không có trong giáo trình).

Nếu phần kiến thức đó dài, ghi chú không kịp, mình sẽ mở Ghi âm và về nghe lại sau buổi học.

CHỈ ghi chép những kiến thức đặc biệt hay, quan trọng, không có trong slide bài giảng, giáo trình. NÊN ghi từ khóa để nhanh hơn chứ đừng nghe gì chép nấy, viết như “sớ” rất phí thời gian. Bạn cũng chẳng đọc nổi chúng đâu.

Nhờ những kiến thức ghi chép ngắn gọn, mình nhớ bài rất lâu và tiết kiệm thời gian khi ôn bài cuối kỳ.

Phát biểu, nghe giảng, ghi chép để học tốt và đạt Học bổng

5. Tìm hiểu bài, ôn bài trước và sau khi lên lớp

Mỗi tối trước buổi học ngày hôm sau, mình đều đọc giáo trình trước, gạch chân những khái niệm quan trọng. Sau đó, mình sẽ lên mạng tìm đọc những bài nghiên cứu, bài báo, dẫn chứng về các kiến thức trong bài. Điều này giúp mình hiểu bài nhanh hơn trên lớp, có nhiều cơ hội phát biểu vì đã tìm trước các dẫn chứng, hiểu sâu về vấn đề đó rồi.

Bên cạnh đó, mình còn ôn tập bài học ở tiết trước để có thể tự hệ thống, sắp xếp các kiến thức trong đầu một cách logic, phục vụ cho việc kiểm tra đột xuất trên lớp và nhớ bài lâu hơn.

Ôn bài trước khi lên lớp

6. Sắp xếp kế hoạch ôn tập hiệu quả

Đa số các trường Đại học sẽ có khoảng tầm 1 tuần nghỉ ôn trước khi thi (Tuần học dự trữ). TUY NHIÊN mình thấy toàn cận ngày thi mới xong các tiết trên trường. Chính vì thế, nếu bạn không có kế hoạch, chiến lược ôn tập thì sẽ không đủ thời gian học bài. Thậm chí, mang “đầu rỗng” đi thi.

Mình thường:

  • Vì chăm chú nghe giảng, ghi chép, ôn tập bài cũ trước mỗi tiết học nên mình nhớ kiến thức trọng tâm lâu, mất ít thời gian để ôn tập.
  • Đối với các môn đại cương, các môn chủ yếu lý thuyết nhiều, mình sẽ chia nhỏ từng chương để ôn tập trước ngày thi khoảng 1 – 2 tuần. Mỗi ngày học một ít, ngày hôm sau sẽ ôn lại phần hôm qua đã học rồi mới học phần kế tiếp.
  • Những môn học có lịch thi gần nhất thì ưu tiên ôn trước, ôn xong sớm. Sau đó, cận ngày thi bạn chỉ cần hệ thống lại kiến thức là yên tâm nắm chắc trên 8 điểm rồi.
  • Tập trung vào các phần trọng điểm mà giáo viên dặn dò. NHƯNG không nên bỏ qua những kiến thức phụ, ít quan trọng nhé, vẫn nên xem qua.
  • KHÔNG NÊN học tủ để tránh bị “đè”. Ưu tiên học những Chương, Câu hỏi quan trọng, sau đó sẽ học những câu ít quan trọng. Nếu bạn không có đủ thời gian học, thì ít nhất phải tranh thủ đọc qua các phần ít quan trọng từ 2 – 3 lần.
  • Cân bằng giữa việc học hành với sức khỏe của bản thân. KHÔNG NÊN để “nước tới chân mới nhảy”, thức quá khuya học bài, ít ngủ, ăn uống sơ sài, qua loa sẽ khiến giảm trí nhớ, đuối sức.
  • Chủ động hỏi các anh chị khóa trước đề thi năm trước là gì để tham khảo mức độ khó dễ của đề thi cuối kỳ.
  • Đối với Tiểu luận cuối kỳ: Nếu làm nhóm, phải có trách nhiệm và hãy cố gắng hoàn thành sớm hơn deadline đã đề ra của leader để leader có nhiều thời gian ráp bài, sửa bài kĩ hơn. Nếu làm cá nhân, cần đầu tư và lên kế hoạch viết bài thật khoa học. Có thể tham khảo thêm cách tìm kiếm tài liệu ở mục 7, 8, 9 tại đây.
Sắp xếp kế hoạch học tập

7. Đầu tư vào điểm rèn luyện để đạt Học bổng

Để đạt được Học bổng, bạn không chỉ chú tâm mỗi việc học trên lớp mà còn đầu tư vào hoạt động ngoại khóa để có được điểm rèn luyện cao.

Mình không tham gia tất cả các hoạt động của Khoa, Trường mà chỉ chọn lọc 1 số hoạt động phù hợp. Một số hoạt động giúp điểm rèn luyện cao:

  • Tham gia CLB, tham gia các hoạt động của Khoa, Trường như: Các dự án tình nguyện, hiến máu…
  • Làm Cán sự lớp cũng là một lợi thế nha. Mình là Lớp phó học tập, mình sẽ là người thông báo các tin tức quan trọng về học tập cho các bạn bên cạnh Lớp trưởng, nhiệt tình giúp đỡ và giải đáp tất cả thắc mắc của thành viên trong lớp. Vì thế, cuối mỗi kỳ, lớp đều nhất trí chấm điểm Tham gia quản lý lớp cho mình rất cao.
  • Tham gia NCKH: Các bạn sẽ kiếm thêm 2 điểm rèn luyện từ hoạt động này. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiên cứu thì nó còn góp phần rất nhiều vào cơ hội tranh học bổng của bạn. Có kỳ mình chỉ chênh với bạn xếp sau mình 0,1 điểm thôi mà mình được Học bổng loại Xuất sắc đó.
  • Cố gắng phấn đấu để duy trì điểm rèn luyện trên 90 nhé!
Điểm rèn luyện quan trọng trong việc giành Học bổng

SAU CÙNG, bạn nhất định PHẢI thật sự quyết tâm, kiên trì với mục tiêu của bản thân thì mới có thể đạt điểm điểm cao, đạt được Học bổng. Mỗi kỳ, ngành mình chỉ có 3 – 4 suất Học bổng thôi, tranh nhau “bể” cả đầu vì Top đầu toàn chênh nhau xíu xiu điểm.

Trong khi bạn nỗ lực cố gắng thì người khác cũng nỗ lực không kém gì bạn. NHƯNG cũng đừng quá ép bản thân quá để vô hình trung tạo áp lực quá lớn khiến cuộc sống bị đảo lộn, stress nhé! Chỉ cần có mục tiêu, lập kế hoạch kĩ càng thì bạn sẽ làm được hết!

Thỉnh thoảng, bạn nên cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi bằng cách: xem phim, nghe nhạc, tập thể dục hoặc đi cà phê, mua sắm cùng bạn bè nè ^^.

Ai cũng từng học dở rồi mới học giỏi. Mình không quá giỏi nhưng mình biết đặt mục tiêu, lập kế hoạch, cần cù và siêng năng. Mình biết có bạn cũng từng lạc lối, mơ hồ ở năm nhất Đại học như mình, chỉ biết khao khát chứ không biết cách đạt được thứ mà mình muốn. Vì thế, thông qua những chia sẻ này, mình mong sẽ là thông tin hữu ích để các bạn tham khảo và đạt được Học bổng nhé! Chúc các bạn học tốt!

Đề cử bài viết nổi bật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »