Mới lần đầu khi nghe tham gia NCKH như kiểu “Ủa nghe sao thấy khó vậy”, “Này dành cho ai học vip vip mới làm chứ đúng không?”, “Thôi, ai tham gia chứ mình thì không”… Vô số những suy nghĩ sai lệch về việc làm NCKH thời sinh viên. Bản thân mình cũng vậy, 2 năm đầu tiên mình không hề có suy nghĩ muốn nghiên cứu gì gì đó mặc cho bạn mình rủ rê.
Mình đọc sách, báo khá nhiều và luôn ngưỡng mộ những nhà nghiên cứu có thể viết những bài NCKH hay đến vậy, phân tích những khía cạnh mà chỉ khi đọc bài của họ, mình mới hiểu hết được vấn đề. Và mình cũng ao ước thử sức, ao ước có riêng một công trình nghiên cứu được công nhận.
Mình đăng ký tham gia NCKH 2 năm liên tiếp. Nhờ sự nỗ lực, phấn đấu, những khoảng thời gian “trầy da tróc vảy”, đề tài của mình đều đạt được Giải cao. Vì thế, mình xin chia sẻ những tips cực kỳ hữu ích và quý giá của bản thân dành cho các bạn sinh viên. Hy vọng, vào năm học tới, các bạn sẽ có đủ dũng cảm và quyết tâm để thử thách bản thân với NCKH.
Mục lục đọc nhanh
1. Chọn đề tài NCKH cẩn thận, phải có tính khả thi
Khâu chọn và tìm đề tài luôn là bước khiến mình luôn đau đầu. Không phải vì không biết làm về gì, mà là có quá nhiều thứ muốn làm, thứ gỉ gì gi gì cũng muốn viết hết. Nhưng quan trọng phải xác định được nó có thiết thực không, kết quả nghiên cứu khả quan không?
NCKH không phải là một bài tập làm văn có mở bài, thân bài rồi kết bài. Theo quan điểm của mình, nó là một công trình khoa học mà trong đó, bạn phải có TÍNH SÁNG TẠO, TÍNH MỚI mà chưa ai làm, chưa ai viết về nó. Bên cạnh đó, đề tài phải có tính khả thi, nghĩa là nó có ý nghĩa thực tiễn và lý luận, nó có giá trị và có thể đem ra sử dụng.
Ví dụ: Đề tài NCKH năm vừa rồi của mình là “Tác động xung đột Trung Quốc – Đài Loan đến an ninh khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2016 – 2021”. Đã có quá nhiều các nghiên cứu chỉ ra tác động của xung đột đến khu vực ĐBA rồi và mình không muốn rập khuôn nữa, mình nhìn thấy được nó có tác động mạnh mẽ đến khu vực Đông Nam Á. Và đề tài có tính cấp thiết, mang lại ý nghĩa thực tiễn trong việc sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các ngành quan hệ quốc tế, bổ sung vào hệ thống cơ sở lý luận….=> Chủ đề nóng, nổi, có tính khả thi.
May mắn là, chưa có ai làm về đề tài này.
Ngay từ đầu mình đăng ký tên đề tài lên Khoa, có một số giáo viên bảo rằng mình thật liều lĩnh bởi chủ đề cũng khá nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay.
Nhưng mình đã quyết tâm chọn nó, nghĩa là mình dám đối mặt với rủi ro.
Song, mình khuyên các bạn:
KHÔNG NÊN chọn những đề tài không có tính khả thi, không mang lại ý nghĩa thực tiễn, hoặc vượt quá tầm, khả năng của các bạn. Quan trọng là đề tài phải có giá trị, làm cho ra kết quả, mà kết quả đó phải sử dụng được nhen.
Có thể được sử dụng phục vụ việc nghiên cứu chuyên ngành cho sinh viên các ngành khác, được đóng góp vào hệ thống lý luận, được các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách tham khảo, được sử dụng làm nền móng cho những công trình nghiên cứu lớn hơn… chẳng hạn.
PHẢI đọc thật nhiều bài báo, tài liệu, sách để nhận thấy chủ đề gì hay, có hợp với mình không, xâu chuỗi những vấn đề đã được giải quyết, từ đó suy ra vấn đề gì chưa có ai làm. HOẶC tham khảo ý kiến từ các giảng viên bộ môn, giảng viên khác trong Khoa. Các thầy cô đều từ cấp Thạc sĩ trở lên rồi nên họ đã quá quen với việc làm nghiên cứu. Có thể sẽ gợi mở cho bạn một số đề tài hay ho, thú vị và hoàn toàn khả thi nhé!

2. Chọn giáo viên hướng dẫn NCKH thật kỹ
Việc chọn GVHD cho đề tài NCKH rất quan trọng, cực kỳ quan trọng. Thậm chí, nó có thể quyết định sự thành bại, hướng phát triển và khả năng đoạt giải thưởng của bạn luôn đó.
a. Đầu tiên, khi bạn nghĩ ra được chủ đề, hướng nghiên cứu mà bạn muốn làm, chưa cần vội suy nghĩ tên đề tài. Bạn hãy CHỦ ĐỘNG tìm hiểu xem các giáo viên trong Khoa, trong trường bạn, có tất cả bao nhiêu người là chuyên gia về chủ đề, lĩnh vực mà bạn muốn làm. Sau đó, gửi mail hoặc gặp mặt trực tiếp, trình bày lý do chọn đề tài cùng lời mời hướng dẫn đề tài NCKH của bạn.
Ví dụ: Mình nghiên cứu về Trung Quốc, Đài Loan cho nên cần tìm giáo viên có kiến thức sâu, chuyên về khu vực Đông Bắc Á, cụ thể là Trung Quốc. Dĩ nhiên các giáo viên thuộc lĩnh vực khác vẫn có thể hướng dẫn. TUY NHIÊN, khả năng sẽ không tốt bằng thầy hướng dẫn của mình. Bởi thầy là Tiến sĩ, từng du học ở Trung Quốc, làm việc tại Viện Hàn Lâm, có kiến thức chuyên môn cao về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
b. Thứ hai, hãy tham khảo từ các anh chị khóa trước về tính cách cũng như khả năng hướng dẫn của giáo viên ấy. Để đảm bảo rằng, họ sẽ theo sát bạn, chứ không thể nào để bạn “cù bấc cù bơ”, tự biên tự diễn, mò mẫm trong bóng đêm được.
Mình chứng kiến một số bạn sinh viên cũng làm NCKH, nhưng vì không tìm được GVHD, hoặc đề tài đó không giáo viên nào muốn nhận. Sau đó, Khoa sẽ tự động xếp bất cứ giáo viên nào cho những đề tài còn sót lại. Các bạn đã mất đi quyền chủ động “lựa chọn” người hướng dẫn, người sẽ góp phần quyết định thành công của đề tài.
Để rồi khi các bạn bước vào giai đoạn tiến hành nghiên cứu, có giáo viên quá bận với công việc của mình hoặc họ không chuyên về lĩnh vực bạn nghiên cứu. Bạn sẽ khó có thể tìm đúng đường để đi, đúng hướng để viết. Hoặc thậm chí, sự hời hợt của 1 số GVHD sẽ khiến bạn bơ vơ, nản chí, rồi bỏ ngang đề tài.
Mình cảm thấy thật may mắn khi tranh được một slot hướng dẫn của thầy mình. Thầy cực kỳ giỏi, và có tâm với sinh viên. Mình chưa thấy một giáo viên nào tận tình hơn thầy trong suốt 4 năm Đại học. Thầy kiên nhẫn sửa cái dàn ý như đống “bùi nhùi” của mình, bày cách tìm kiếm tài liệu, tìm ở đâu, cách triển khai nội dung nghiên cứu, viết thế nào cho hay, quan điểm đó nên đánh giá ra sao…
Hơn thế nữa, trước hôm bảo vệ NCKH cấp trường, thầy còn tỉ mỉ, chu đáo mở một buổi bảo vệ thử để bày cách thuyết trình, phong thái, nói năng, trả lời câu hỏi của hội đồng như thế nào… Nói túm lại là rất xịn luôn, và mình cảm thấy thật may mắn khi được thầy hướng dẫn.

3. Đọc thật nhiều tài liệu, note những thông tin hữu ích
NCKH cần khả năng tư duy, tổng hợp kiến thức, sau đó phân tích, đánh giá vấn đề của sinh viên. Trước khi tiến hành lên đề cương chi tiết, bạn cần có phần Tổng quan các công trình nghiên cứu. Vì vậy, đọc nhiều tài liệu là một yếu tố rất quan trọng khi bạn muốn có nhiều tư liệu trích dẫn, ý tưởng để viết bài.
a. Đọc các công trình NCKH về lĩnh vực có liên quan đến đề tài của bạn
- Tìm kiếm, download và dịch (nếu tài liệu bằng Tiếng nước ngoài) các công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến đề tài của bạn. Nếu là file PDF, hãy download và xếp chúng vào các folder nhỏ có đặt tên theo chủ đề, tên tệp dễ đọc, ngắn gọn.
- Đọc và tóm tắt tài liệu, sau đó chỉ ra được điểm mới và hạn chế của nghiên cứu đó. Đôi khi từ những điểm hạn chế từ nghiên cứu của tác giả, bạn có thể có thêm ý tưởng để thêm vào dàn ý chi tiết, người ta chưa làm thì mình sẽ làm.
- Cần chọn lọc những tài liệu thật sự cần thiết, chia nhỏ ra từng múi thời gian để dễ dàng tiếp thu; đừng quá ôm đồm, vội vã sẽ khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, ngán ngẩm, dễ nản.
b. Take note những khái niệm, lý thuyết, các dẫn chứng
- Nếu bạn đọc sách/báo, hãy highlight, hoặc chép/gõ những khái niệm, lý thuyết hay các dẫn chứng hay ho vào vở/laptop. NHỚ luôn kèm nguồn (để dễ dàng tra cứu, tạo mục TLTK, giúp bài nghiên cứu của bạn khách quan hơn).
- Ghi những quan điểm cá nhân bên cạnh các take note đó để phát triển kỹ năng phân tích, đánh giá, tư duy phản biện.

4. Luôn phải có kế hoạch, thời hạn deadline cho các phần của bài nghiên cứu
Một đề tài NCKH sẽ được thực hiện khoảng 4 – 6 tháng (tùy lịch của các Trường). Đề tài NCKH không có điểm đánh giá chuyên cần, hay bài kiểm tra các kiểu nên các bạn sẽ dễ bị nản và lười.
Vì thế, cần:
- Có dàn ý, đề cương chi tiết rõ ràng, cụ thể. Đề cương phải được thông qua bởi GVHD và tham khảo lời nhận xét của hội đồng Khoa. (Khoa của mình thường có 1 buổi bảo vệ Đề cương chi tiết để các thầy cô góp ý hướng đi của đề tài, sau đó về nhà thảo luận với GVHD rằng có nên thay đổi hay không, và hoàn thiện lại Đề cương).
- Lập bảng biểu, ghi những nội dung cần hoàn thiện và deadline. Ví dụ: Chương 1 gồm 3 mục nhỏ, mỗi mục sẽ ước lượng thời gian hoàn thành là bao lâu, ghi ngày tháng bạn nhất định phải viết xong mục đó vào bảng. LƯU Ý, không nên bỏ bê, lơ là, đến tháng cuối cận ngày nộp bản thảo cuối cùng rồi mới “vắt chân lên cổ chạy”. Lúc đó bạn chẳng thể nào có đủ thời gian đọc tài liệu, suy ngẫm vấn đề, trau chuốt từng câu chữ. Thậm chí, lúc bí quá, các bạn còn sao chép tài liệu từ người khác, đó là đạo văn. Mà một trong những nguyên tắc cấm kỵ nhất trong NCKH là không được đạo văn. Bạn phải trích dẫn nguồn nếu muốn sử dụng một câu hay đoạn văn nào đó bất kỳ.
- Luôn giữ liên lạc và liên hệ kịp thời với GVHD nếu bạn đang vướng ở khúc nào đó mà không có hướng giải quyết. Nhớ là phải hỏi GVHD nha, đừng để chui sâu vô bụi gai đến giáo viên phát hiện là kéo ra không kịp đó. Rất phí thời gian.

5. Chuẩn bị cho buổi bảo vệ NCKH
Sau giai đoạn miệt mài viết cả chục trang giấy, đóng tập, nộp lên trường, chúng ta đã đi được 70% rồi đó. 30% còn lại cũng góp phần quyết định thứ hạng giải thưởng cho công trình NCKH của bạn.
Bạn cần chuẩn bị:
- Slide ngắn gọn, cô đọng hết mức nội dung bài NCKH. Không nên dùng hiệu ứng cầu kỳ, màu sắc lòe loẹt.
- Viết ra những gì mà bạn định nói trước Hội đồng: Các thầy cô đọc hết tất tần tật bài NCKH rồi nên bạn không cần phải học vẹt, đọc thuộc lòng những thứ trong đó nữa. Thầy cô sẽ không muốn nghe. Bạn cần nhắc đến trọng tâm, ý chính của đề tài. Bạn đã giải quyết được vấn đề gì, điểm mới, kết quả, ý nghĩa mà đề tài mang lại. Bên cạnh đó, nên nêu những đề xuất cho hướng nghiên cứu tiếp theo. Mấy cái râu ria như cơ sở lý luận thì bỏ hết nhé.
- Tập thuyết trình trước gương, hoặc nhờ bạn bè ngồi nghe mình trình bày. Cố gắng nói lưu loát, canh đúng thời gian quy định, không nên vượt quá giờ.
- Đọc lại toàn bộ bài NCKH, nắm những ý chính nhất, cốt lõi của bài, những dẫn chứng quan trọng. Nhờ GVHD hoặc tự mình đoán một số câu hỏi có khả năng Hội đồng sẽ đặt, từ đó chuẩn bị kỹ càng câu trả lời.
- Hít thở thật sâu, bình tĩnh, cố gắng nói thật lưu loát, hạn chế nhìn slide. Điểm yếu mà mình đang cố gắng khắc phục chính là vẫn còn hơi run, khi nói nhanh sẽ bị nuốt chữ. Mình đã luyện tập rất nhiều trước ngày đó, nên mình thực sự mong các bạn hãy cố gắng làm tốt các bước bên trên.

6. Tuyệt đối không được BẬT Hội đồng
Kinh nghiệm xương máu từ những bạn xung quanh đưa đến cho mình một kết luận rằng: Không nên cãi lại Hội đồng, đôi khi bạn nên “thảo mai” một chút.
Trong NCKH, bất đồng quan điểm là điều bình thường, có những người cho rằng vấn đề đó nên làm abc nhưng có những người cho rằng phải làm theo xyz. Phản biện và thể hiện “cái tôi” trong NCKH là tốt, tuy nhiên, bạn nên suy nghĩ theo một hướng tích cực rằng: Có những góc nhìn, góc tiếp cận khác mà bạn cần phải tiếp thu, phải lắng nghe và liệt kê vào list cần tham khảo.
Nếu thầy cô có quan điểm khác với bạn về một vấn đề nào đó trong đề tài, bạn cần ghi chép những lời góp ý, hứa hẹn sẽ tiếp cận quan điểm đó ở một góc nhìn khác hơn hoặc hứa sẽ cùng GVHD thảo luận cụ thể về vấn đề này.
Đừng cố tỏ ra mình là “biết tuốt”, có những vấn đề mà bạn không nhìn ra được lúc viết bài nhưng Hội đồng có thể chỉ ra. Nếu biết rõ về chúng, bạn hãy tự tin mà trả lời. Còn không rõ, thì hãy uyển chuyển “xin khất”. Văn mẫu mà mình hay dùng là: “Em xin cảm ơn câu hỏi từ thầy/cô A, về vấn đề này, em chưa thực sự nghiên cứu kỹ và tìm ra được câu trả lời thích hợp. Vì vậy, em mong được về tìm hiểu hiểu kỹ hơn hơn và xin phép quý thầy cô cho em được trả lời sau buổi bảo vệ ngày hôm nay”.
Hãy thể hiện thái độ nghiêm túc, biết lắng nghe, ghi nhận bởi thầy cô luôn thích những sinh viên thể hiện cá tính vừa đủ, nghe lời. Chứ đừng vì một lời nhận xét của thầy cô không hợp ý bạn và cãi “chem chẻm” là không nên nhé! Và mình bắt gặp 1 trường hợp như thế dù bài khá tốt nhưng giải không được cao.

Kết luận: Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm mà mình đã trải qua trong 2 năm thực hiện 2 đề tài NCKH. Và mình đã lần đầu đạt được Giải Nhất cho Hội nghị SV NCKH cấp trường. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, mình cũng đã từng mắc những lỗi trên, vì thế, mình mong rằng những lời chia sẻ này sẽ giúp cho các bạn định hướng tốt hơn khi thực hiện NCKH. Nếu có vấn đề gì thắc mắc cần hỗ trợ, cứ nhắn cho mình nhé ^^.