6 điều sinh viên cần làm sớm để có 4 năm Đại học đáng nhớ

6 điều sinh viên cần làm sớm để có 4 năm đại học đáng nhớ

Giai đoạn này là thời gian các bạn đang cân nhắc và điền nguyện vọng ngành học của mình. Mỗi ngày, mình đều nhận được tin nhắn của các bạn về việc chọn ngành, chọn trường, hay kinh nghiệm làm thế nào để học tốt và đạt học bổng trong 4 năm Đại học.

Những ai theo dõi và đọc những bài viết chia sẻ kinh nghiệm học trước đó đều biết rằng, mình không phải là một đứa học giỏi ngay từ ban đầu. Thậm chí, 3 học kỳ đầu tiên của Đại học mình còn đứng gần bét lớp với điểm số thấp tẹt nữa cơ.

Mình thừa nhận bản thân không giỏi. Nhưng mình tin chắc rằng, 6 điều dưới đây là toàn bộ kinh nghiệm và trải nghiệm của chính bản thân trong suốt 4 năm Đại học sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn sẽ và đang trở thành sinh viên. Hãy để 4 năm Đại học trở nên thật sự đáng nhớ và mong rằng bạn sẽ khai thác thật nhiều kiến thức từ trường lớp, từ xã hội để chúng trở thành đòn bẩy giúp bạn có một công việc tốt hơn sau này.

1. Vạch ra lộ trình, mục tiêu cụ thể trong 4 năm Đại học

Một bài văn hay bắt buộc phải cần có dàn ý, có mở bài, thân bài, kết bài, có ý chính, ý phụ, dẫn chứng. Tương tự như vậy, nếu đã bước vào cánh cổng Đại học thì bạn nhất định phải học tập thật tốt, cố gắng khai thác và lĩnh hội kiến thức chuyên môn từ thầy cô, trường lớp.

Để học tốt, đạt được kết quả cao, chạm tới học bổng và ra trường với tấm bằng loại Giỏi thì bạn cần có lộ trình, mục tiêu và kế hoạch cụ thể trong suốt 4 năm Đại học.

Có một lưu ý mà mình luôn cảnh báo các bạn tân sinh viên rằng: ĐỪNG BAO GIỜ LƠ LÀ VIỆC HỌC NGAY TỪ NĂM NHẤT.

Hãy xác định mục tiêu của bạn trong 4 năm Đại học này là gì? Tiếp đó, chia chúng thành mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Ví dụ:

  1. Mục tiêu ngắn hạn của mình là: Đạt được điểm cao các môn (GPA trên 3. mỗi học kì), cố gắng đạt A hoặc B và tuyệt đối không để bị điểm C.
  2. Mục tiêu dài hạn:
  • Tốt nghiệp loại Giỏi với GPA trên 3.2
  • Thi chứng chỉ B2 hoặc Toeic 600
  • Học tốt Tiếng Hàn/Trung để thi Topik II/HSKII đầu ra, sau đó học thêm để thi bằng cao hơn nữa.
  • Tham gia NCKH, phải đạt giải thưởng cao.
  • Tham gia hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện.
  • Mở rộng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô.
  • Kiếm tiền từ việc viết lách, kiếm thêm thu nhập bằng các công việc part-time.
  • Học từ nhiều nguồn để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và có công việc ổn định sau khi ra trường.

Sau khi đã có mục tiêu cụ thể, bạn hãy chia nhỏ mục tiêu và phân bổ thời gian phù hợp để sớm hoàn thành mục tiêu đó. Cần có kế hoạch, thời gian biểu rõ ràng. Hãy tham khảo Google Calendar hoặc Evernote.

Mình biết lên Đại học các bạn sẽ chỉ không có học trên lớp mà còn phải tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm thêm… Tuy nhiên, phải luôn ƯU TIÊN VIỆC HỌC, sau đó mới đến các hoạt động và công việc bên lề khác.

Đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy các hoạt động ngoại khóa, làm thêm để rồi bỏ bê việc học. Bởi các bạn lên Đại học để HỌC LÀ CHÍNH, chứ không phải đi làm thêm là chính nhé! Chính vì vậy mà mình mới khuyên các bạn phải vạch ra lộ trình, mục tiêu và kế hoạch rõ ràng để dễ dàng cân bằng chúng.

“Làm việc cần làm vào đúng thời điểm mới không uổng phí một kiếp người” – Tăng Khải

Vạch ra lộ trình, mục tiêu cụ thể cho 4 năm Đại học

2. Tham gia hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội trong 4 năm Đại học

Bên cạnh việc học những kiến thức chuyên môn trên lớp, các bạn còn có thể rèn luyện kỹ năng mềm, mở mang tư duy và thu hút cơ hội bằng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội.

Mỗi trường Đại học đều có nhiều CLB đa dạng lĩnh vực, chủ đề khác nhau để các bạn dễ lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cần phải chọn lọc kĩ càng dựa trên nhu cầu, sở thích cũng như quỹ thời gian của mình. Đừng cố đấm ăn xôi, cố gắng tham gia CLB mà bạn không hề thích chúng mà chỉ “lỡ apply” chung vui cùng nhỏ bạn.

Thêm nữa, hoạt động ngoại khóa ở trường và ngoài trường được tổ chức khá nhiều. Bạn có thể tham gia những hoạt động từ cấp Khoa, rồi lên cấp trường, cấp Đại học, cấp Thành phố. Trải nghiệm nhiều hoạt động, bạn sẽ học được vô vàn kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, làm việc nhóm.

Đặc biệt, NÊN tham gia ít nhất 1 hoạt động thiện nguyện, tình nguyện trong 4 năm Đại học.

Mình nhớ năm 2 tụi mình tham gia hoạt động thiện nguyện “Xuân yêu thương” tại một thôn nhỏ vùng sâu vùng xa của người đồng bào. Mình nhớ nhất khoảng thời gian chuẩn bị cho hoạt động từ khâu lên kế hoạch, huy động vốn, kêu gọi quyên góp bằng các hoạt động như tổ chức đêm nhạc, bán vật dụng, bánh kẹo, đồ dùng học tập. Cho đến ngày xuất phát đến thăm từng ngôi nhà và trao cho các em nhỏ, những hộ gia đình món quà nho nhỏ, ấm áp mà tụi mình đã nỗ lực mang đến.

Hoạt động tình nguyện năm ấy đã để lại trong mình nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, đến nỗi mỗi lần nhìn những tấm ảnh chụp, mình lại thấy nôn nao trong người, lại muốn một lần nữa được trải nghiệm, được giúp đỡ, được lan tỏa tấm lòng và tình yêu thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hãy để 4 năm Đại học của bạn trở nên đáng nhớ bằng những hoạt động xã hội có ích cho cộng đồng. Tin mình đi, bạn sẽ học được rất nhiều những bài học giá trị và ý nghĩa mà bạn sẽ không bao giờ được học ở trường, ở lớp.

Tham gia hoạt động ngoại khóa, xã hội trong 4 năm Đại học

3. Duy trì điểm số ổn định, nỗ lực đạt điểm cao

Nghe có vẻ 2 vế hơi “choảng” nhau đúng không, nhưng mình sẽ nêu ví dụ ở 2 trường hợp này.

Mình không ủng hộ việc quá coi trọng điểm số đến mức ám ảnh, điều này dễ khiến bạn stress và học kém hiệu quả. Năm nhất mình học bê bết lắm, không hề có sự quan tâm đến điểm số đang dần thụt lùi và có thể sẽ khiến mình tốt nghiệp với tấm bằng Trung bình hoặc Khá (ba mình chắc chắn không thích như thế). Hậu quả là về sau, GPA kì nào của mình cũng phải trên 3.8 xấp xỉ 4. mới có thể kéo “hùng hục” điểm tích lũy từ 2.7 lên ngưỡng 3.2. Cả 5 kì như thế mình mới kéo lên đủ để nhận tấm bằng Giỏi.

Đó chính là hậu quả của việc học không có lộ trình, mục tiêu. Bạn bè mình có vài đứa vì những kì đầu điểm quá thấp, những kì sau không kéo nổi (vì vào chuyên ngành lụm điểm căng lắm) và đành ngậm ngùi nhận bằng Trung bình.

Vì thế, mình khuyên các bạn hãy luôn duy trì điểm số của mình ở mức ổn định (khoảng 3.0 mỗi kỳ trở lên).

Song, nếu bạn đã đặt mục tiêu ngay từ ban đầu rằng nhất định tốt nghiệp loại Giỏi thì hãy nỗ lực thật nhiều để đạt điểm số cao. Các bạn hãy thử chăm chỉ và cố gắng đạt Học bổng ít nhất 1 lần trong 4 năm Đại học đi rồi sẽ biết, cảm giác tiền Học bổng “ting ting” vào tài khoản sướng cực kỳ.

Từ một đứa học dở vươn lên đứng đầu lớp nhiều kì liên tiếp, đạt Học bổng liên tục đã giúp mình có đủ số tiền trang trải sinh hoạt và đỡ đần bố mẹ đóng học phí nhiều lắm đấy.

Thế nên, đừng bao giờ lơ là và coi thường điểm số nhé! Hãy cố gắng hết sức để đạt được điểm số cao. Điểm cao đồng nghĩa với việc bạn đã tiếp thu kiến thức chuyên ngành tốt, rèn luyện kỹ năng tốt cũng như từng bước hoàn thành nhiều mục tiêu dài hạn mà bạn đã đặt ra cho mình trong 4 năm Đại học.

4. Tham gia workshop, webinar Online và Offline

Vấn đề này luôn được mình đề cập đến xuyên suốt chuỗi bài chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình. Việc tham gia các buổi workshop online/offline về định hướng nghề nghiệp, cách viết CV, kỹ năng học hiệu quả đã giúp mình từ một đứa bị đánh trượt 3 lần ở vòng gửi CV trở thành một ứng viên được đánh giá khá cao vòng CV khi ứng tuyển các công việc sau đó.

Kiến thức mà các diễn giả, anh chị, chủ doanh nghiệp chia sẻ trong những buổi workshop, webinar luôn luôn hữu ích cho các bạn. Học từ nhiều nguồn sẽ giúp não bộ của bạn thu nạp nhiều kiến thức hơn. Khi bạn nghe qua câu chuyện từ họ, bạn sẽ rèn luyện được tư duy tổng hợp, đúc kết nhiều bài học, bí quyết hay để sau này áp dụng.

Hiện nay, workshop và webinar không còn quá xa lạ với các bạn sinh viên nữa. Mỗi trường Đại học đều kết nối ít nhất mỗi năm một lần với các diễn giả, mời họ đến trường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

Bên cạnh các buổi offline, bạn hãy mạnh dạn tìm hiểu và tham gia nhiều hơn những workshop online. Đừng từ chối việc tiếp nhận những kiến thức này nhé vì chúng đều miễn phí (hoặc chỉ mất 1 ít phí) thôi.

Tham gia workshop, webinar Online và Offline

5. Đầu tư kiến thức bằng các Khóa học Online

Trong đợt dịch Covid-19, trường học và các hoạt động khác bị đình trệ. Học sinh, sinh viên ở nhà nhiều hơn. Lúc này, các Khóa học Online được biết đến nhiều hơn.

Hồi trước, bản thân mình chỉ tin vào những kiến thức thầy cô dạy ở trường chứ chẳng mấy tin vào các Khóa học Online trên mạng đâu. Đợt dịch ở nhà nhiều, mình bắt đầu mày mò và thử học chúng.

Mình chọn những Khóa học miễn phí trước để học thêm kỹ năng Word, PowerPoint, Excel. Sau đó, mình tìm hiểu về Content, Marketing thông qua các nền tảng Udemy, Hubspot, Edx, Coursera, Linkedln, Udacity…

Có lẽ vì cảm thấy thiếu sự dẫn dắt của mentor và thiếu cơ hội thực hành, mình quyết định đầu tư Khóa học CÓ PHÍ về Content, Marketing, xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Và các bạn thấy đấy, thành quả đầu tiên phải kể đến là chiếc Blog chia sẻ về hành trình học tập của mình này, giúp mình ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, thu hút nhiều cơ hội việc làm tuyệt vời.

Học chưa bao giờ là đủ và bạn sẽ ngày càng thụt lùi nếu không chịu đầu tư vào kiến thức, bổ sung vào trí óc của bạn những nguồn thông tin mới. Kiến thức không chỉ chính là thứ quyết định sự cạnh tranh giữa bạn với những ứng viên khác mà còn giúp bạn phát triển, nhanh thành công hơn những đối thủ hay những người không chịu học hành.

Đầu tư kiến thức bằng các Khóa học Online

6. Có cho mình ít nhất một Mentor trong suốt 4 năm Đại học

Mentor được hiểu nôm na là người hướng dẫn, dẫn dắt, giám sát bạn trong suốt quá trình học tập, làm một thứ gì đó; hoặc trong quá trình định hướng phát triển sự nghiệp, công việc của bạn.

Mentor thứ nhất giúp mình trong việc học

Suốt 3 năm Đại học mình chưa từng có một Mentor đúng nghĩa cho đến đầu năm học thứ tư. Là năm học cuối cùng tại giảng đường nên mình đã đặt rất nhiều mục tiêu, trong đó có việc Tham gia Nghiên cứu Khoa học đạt giải cao và Luận văn loại Xuất sắc.

Trong lúc mình đang loay hoay tìm kiếm người hướng dẫn, thì một phép màu nào đó thật kỳ diệu đã khiến mình biết đến thầy – người thầy, người bạn, một mentor xịn xò giúp đỡ mình từ việc học cho đến những chia sẻ trong cuộc sống.

Nhờ có thầy định hướng và dẫn dắt, mình đã có thể đạt Giải Nhất Nghiên cứu Khoa họcLuận văn cũng nằm top xuất sắc của Khoa. Bên cạnh đó, thầy còn giới thiệu cho mình nhiều học bổng khác để mình tham khảo apply.

Xuyên suốt khoảng thời gian năm cuối Đại học, thầy luôn là người theo dõi sát sao, nhắc nhở, đôn đốc tiến độ làm việc và nghiên cứu của mình. Thực sự mà nói, để đạt được những thành tựu lớn như vậy, tất cả đều nhờ vào việc mình chọn đúng Mentor.

Hãy chọn cho mình ít nhất 1 Mentor

Mentor thứ hai giúp mình phát triển bản thân và sự nghiệp

Mình biết đến chị – Travel Blogger nổi tiếng từng xuất hiện trên đài truyền hình nhiều lần – cũng gần 1 năm. Một năm đó, mình theo dõi chị, tìm hiểu, học hỏi từ những bài chia sẻ, về hành trình tự do tài chính và điều hành 9 business chỉ bằng hệ thống tự động.

Khi tìm hiểu đủ lâu, niềm tin đủ chín, mình quyết định đăng ký học chị. Mình được dạy về Content, Marketing, về xây dựng thương hiệu cá nhân, về việc kiếm tiền từ social media… Để rồi hiện tại, mình đã có đủ vốn liếng, kiến thức để dấn thân vào con đường làm Freelancer, tự làm chủ cho bản thân mình.

Thêm nữa, chị luôn theo sát hướng dẫn và sửa lỗi kịp thời cho mình, giúp mình đi đúng hướng cũng như giới thiệu nhiều cơ hội cho mình. Mình có review cụ thể trong bài viết này.

Việc tìm kiếm cho bản thân một Mentor là điều thực sự quan trọng và cần thiết mà mỗi sinh viên cần phải làm trong suốt 4 năm Đại học. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, bạn hãy quan sát, tìm hiểu và lựa chọn một người hướng dẫn giúp bạn học tốt, phát triển đúng hướng để không phải mất nhiều thời gian vào việc mò mẫm không có chủ đích.

KẾT LUẬN

4 năm Đại học trôi qua rất nhanh và bạn đừng bao giờ để thời gian bị lãng phí vì những điều ngu ngốc nào đó. Để sau này, khi bạn nhìn lại, sẽ chẳng có niềm tự hào nào ngoài sự tiếc nuối vì bản thân không thay đổi và làm nó sớm hơn.

Hãy lưu lại và áp dụng 6 điều chia sẻ của mình để 4 năm Đại học của bạn trở nên đáng nhớ hơn nhé! Mình không giỏi vì mình luôn biết bản thân cần nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn nữa. Bởi học không chỉ gói gọn trong sách vở, trong trường lớp mà còn nằm ở những sự vật, con người xung quanh chúng ta.

Nếu bạn có câu hỏi hoặc thắc mắc gì cần giải đáp, hãy mạnh dạn nhắn tin hoặc cmt bên dưới để mình biết và giúp đỡ bạn nhé! Chúc các bạn học tốt!

Đề cử bài viết nổi bật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »