5 lời khuyên dành cho sinh viên năm nhất: Đừng đợi lúc tốt nghiệp mới hối hận

5 lời khuyên dành cho sinh viên năm nhất

Đại học là khoảng thời gian đẹp đẽ và trân quý nhất của mỗi con người. Đó chính là một môi trường mới dạy cho ta những kiến thức mà khó có thể học được ở bất cứ nơi nào. Chúng ta sẽ học được những gì trong 4 năm Đại học để không phải phí hoài tuổi trẻ, phí hoài công sức và tiền bạc. Tất cả đều phụ thuộc vào chính bản thân bạn có vạch ra một con đường, mục tiêu cụ thể cho mình hay không. Bài viết này, mình sẽ chia sẻ 5 lời khuyên chân thành nhất dành cho sinh viên năm nhất mà mình chiêm nghiệm, đúc kết được từ 4 năm học tập trên giảng đường.

1. Xác định rõ mục tiêu, kết quả sau 4 năm học là gì?

Bước ra khỏi cánh cổng THPT cũng là lúc các bạn đang dần mở ra cho mình một cánh cổng Đại học – cánh cổng giúp bạn trưởng thành hơn, học được nhiều điều mới mẻ hơn không chỉ nằm trong sách vở.

Có rất nhiều topic, câu hỏi của các bạn học sinh 12 và sinh viên năm nhất rằng “Học Đại học có nhàn không?”, “Học Đại học không phải kiểm tra liên miên như cấp 3”, đi kèm với đó là những lời bông đùa của các anh chị sinh viên “Học Đại học nhàn lắm đấy, thi chơi chơi cũng điểm cao”.

Không có việc gì là dễ dàng, học cũng vậy. Cho dù bạn học cái gì, học ở đâu, học bao lâu cũng cần có sự nỗ lực và mục tiêu rõ ràng thì bạn mới có thể đạt được kết quả tốt. Vì vậy, ngay từ ban đầu, bạn cần phải xác định rõ mục tiêu sau 4 năm Đại học của mình là gì, bạn mong muốn tấm bằng tốt nghiệp sẽ viết lên hàng chữ “Trung bình”, ” Khá” hay “Giỏi”?

Mình từng có khoảng thời gian vô định, mông lung về mục tiêu vào năm nhất. Lúc đó mình vẫn còn ham chơi, vô tư, cứ để tới đâu tới vì 4 năm dài mà. Nhưng sau đó, mình đã bị điểm số “đánh” một cú rõ đau vào mặt ngay ở học kỳ 1. Trong khi các bạn khác điểm trung bình thang 4 lúc nào cũng trên 3. thì mình lẹt đẹt ở con số 2.7.

Mình đã rầu rĩ mấy ngày liền và quyết định kiểm điểm lại bản thân, ngồi xuống và viết mục tiêu của bản thân. Các mục tiêu cụ thể như sau:

  • Tốt nghiệp loại Giỏi với GPA trên 3.2
  • Thi chứng chỉ B2 hoặc Toeic 600
  • Học tốt Tiếng Hàn để thi Topik II đầu ra, sau đó học thêm để thi bằng cao hơn nữa.
  • Tham gia NCKH, phải đạt giải thưởng cao.
  • Tham gia hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện.
  • Mở rộng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô.
  • Kiếm tiền từ việc viết lách, kiếm thêm thu nhập bằng các công việc part-time.
  • Học thật nhiều để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và có công việc ổn định sau khi ra trường.

Không phải là mục tiêu quá lớn lao, những thứ mình vạch ra đều dựa vào năng lực thực sự của mình. Hơn nữa, nếu bạn vạch ra mục tiêu cao hơn tầm với của bạn, bạn phải đảm bảo rằng mình nỗ lực hết sức, đừng quá ép bản thân đi vào khuôn khổ “phải thành công” mà bạn đang áp đặt chính mình. Toàn bộ những mục tiêu mà mình đề ra, sau 4 năm Đại học, mình đã hoàn toàn đạt được.

sinh viên năm nhất nên xác định mục tiêu cụ thể
Bạn cần phải xác định mục tiêu, lộ trình học tập cụ thể.

Vì sao mình lại nhấn mạnh việc xác định mục tiêu như vậy? Khi bạn không có mục tiêu rõ ràng, chẳng khác nào bạn đang đi giữa sa mạc mà quên mang theo la bàn vậy đó, một cuộc hành trình không có điểm đến. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy ngờ vực bản thân, ngờ vực cuộc sống, và rồi bạn sẽ bị vùi dập bởi sự choáng ngợp trước thành công của người khác.

Khi bạn có mục tiêu cụ thể, bạn sẽ tập trung vào chúng thay vì đi lang thang, làm tùm lum thứ không rõ mục đích, lợi ích. Tin mình đi, nếu bạn đã sở hữu được kỹ năng xác định mục tiêu, bạn sẽ có động lực cố gắng để đạt được nó, tránh trường hợp nợ môn nữa nhé.

2. Không được lơ là ngay từ học kỳ đầu

Hồi là sinh viên năm nhất, điểm số của mình cực kỳ tệ. Nguyên nhân phần lớn là ở bản thân mình, còn lại là vì thay đổi môi trường sống.

Ngày mình lên Đại học, bố mẹ chu cấp sinh hoạt phí rất dư dả. Mình bắt đầu sửa soạn, chăm chút cho bản thân, mua quần áo, đi chơi, thăm thú khắp nơi. Lúc ấy mình cảm thấy bản thân rốt cuộc cũng được tự do rồi, không phải sống trong tầm mắt của bố mẹ, nên mình buông thả bản thân hết mức.

Có tiết học buổi sáng bắt đầu vào lúc 7 giờ mà mình lại thức dậy lúc 8 giờ 30 phút. Thế là lại một buổi cúp học không phép. Mình quên rằng điểm chuyên cần và bài tập chiếm 20% số điểm của cả môn học. Bỏ lỡ những bài giảng quan trọng để ôn thi giữa kỳ. Mình bị điểm thấp. Suốt liên tù tì 3 học kỳ mình không thể nào vực điểm số lên nổi 3. trong khi bạn bè ai nấy đều được nhận học bổng.

Nói không buồn và không áp lực là giả. Mình đã phải suy nghĩ suốt mấy ngày liền, tìm ra nguyên nhân, bắt đầu thay đổi lộ trình học tập cùng thời gian biểu. Và học kỳ thứ 4, mình đã xuất sắc vươn lên đứng đầu lớp, điểm số cải thiện rõ rệt và nhận được suất học bổng đầu tiên trong quãng đời sinh viên. Tiếp nối sau đó là liên tục các kỳ, mình đều nhận học bổng xuất sắc, không trượt kỳ nào luôn nhé!

Vì vậy, mình khuyên các bạn sinh viên năm nhất không được lơ là việc học ngay từ học kỳ đầu. Bởi lẽ, hậu quả của nó thực sự khủng khiếp và mất rất nhiều thời gian, công sức để bạn có thể kéo điểm trung bình tích lũy lên mức Giỏi. Thậm chí là không thể đạt được GPA trên 3.2 nếu bạn cứ đinh ninh rằng học Đại học nhàn lắm mà chểnh mảng việc học.

Tân sinh viên không được lơ là trong học kỳ đầu

3. Học Ngoại ngữ: nên học thêm 1 ngoại ngữ khác bên cạnh Tiếng Anh

Học Ngoại ngữ đang trở thành một xu hướng của bất kỳ một thế hệ nào, dù là trẻ hay già. Nói một cách dễ hiểu, việc học Ngoại ngữ sẽ giúp bạn có được nhiều hơn là bạn nghĩ.

Giả sử, nếu chỉ biết mỗi tiếng mẹ đẻ thì bạn đã giảm đi cơ hội được làm việc tại những công ty nước ngoài hay làm việc cùng với những đối tác đến từ khắp mọi miền và đánh mất cơ hội cạnh tranh với ứng viên khác.

Hiện nay, Tiếng Anh là một ngôn ngữ rất phổ biến tại Việt Nam và bạn thấy đó, có rất nhiều người giỏi Tiếng Anh, sử dụng Tiếng Anh để học tập, làm việc. Và nếu bạn cũng giống như vậy, liệu có cách nào để giúp bạn lợi thế hơn khi cạnh tranh với họ không? Câu trả lời là học thêm một ngôn ngữ mới.

Bên cạnh sự phổ biến của Tiếng Anh thì Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Tây Ban Nha… đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn. Xu hướng học những thứ tiếng này cũng rất cao nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động khi hiện nay có rất nhiều các công ty liên doanh, đa quốc gia xuất hiện tại Việt Nam. Và không phải công ty nào cũng thích sử dụng Tiếng Anh, mà bạn cần học thêm thứ tiếng của đất nước họ.

Học nhiều ngoại ngữ không phải là một điều thiệt thòi cho bạn. Nó không chỉ giúp bạn đáp ứng đầy đủ quy định đầu ra của ngành mà còn mở rộng cơ hội việc làm hơn, kết nối được với những người bạn ngoại quốc. Vì vậy, mình khuyên các bạn nên chọn thêm 1 ngôn ngữ khác để trải nghiệm, nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Hơn nữa, khi còn là sinh viên năm nhất, chương trình học chưa quá nặng nề, đây là thời điểm tốt để bạn bắt đầu học thêm một thứ tiếng mới đấy.

Học Ngoại ngữ luôn cần thiết đối với sinh viên

4. Vạch ra kế hoạch thi các chứng chỉ đầu ra trước năm 4 ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất

Ngành Đông Phương học của mình yêu cầu 5 chứng chỉ đầu ra cơ bản:

  • Chứng chỉ Giáo dục Thể chất
  • Chứng chỉ Quốc phòng – An ninh
  • Chứng chỉ Tin học văn phòng
  • Chứng chỉ B1 VSTEP/TOEIC 550 hoặc IELTS tương đương
  • Chứng chỉ Ngoại ngữ 2 ở bậc A2: Topik II/HKS2/N4

Giáo dục Thể chất và Quốc phòng an ninh là 2 chứng chỉ dễ đạt được nhất chỉ trong 2 năm học đầu tiên. Tiếp đến là chứng chỉ Tin học văn phòng. Bởi chứng chỉ này không có thời hạn nên các bạn không cần phải lo chúng sẽ hết hạn. Vì thế, mình khuyên các bạn sinh viên năm nhất hãy vạch ra lộ trình, học và thi chứng chỉ này sớm nhất có thể nhé, đừng để dồn hết vào năm 3 hoặc năm 4 bởi lúc ấy khối lượng môn học của bạn rất nhiều.

Bởi vì mình học trường Ngoại ngữ nên Tiếng Anh là chứng chỉ bắt buộc phải có nếu mình muốn ra trường. Tuy nhiên, ngành của mình không chuyên ngữ nên chỉ yêu cầu ở mức B1. Mặt khác, Ngoại ngữ 2 mà mình chọn là Tiếng Hàn nên mình đã xác định sẽ lấy bằng Topik II vào năm 3. Lưu ý: các chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có thời hạn là 2 năm nên không được thi sớm hơn nha, năm 3 thi là vừa rồi.

Người tính không bằng trời tính, dù mình đã lên kế hoạch lấy bằng VSTEP và Topik II vào học kỳ đầu năm 3 nhưng do dịch Covid, các kỳ thi đều bị hủy bỏ. Và mình bị vỡ kế hoạch dẫn đến hệ lụy rất nhiều sau này. Khiến mình phải thay đổi, học một thứ tiếng khác để có thể kịp thi chứng chỉ ra trường (Cụ thể là Tiếng Trung).

Hiện tại dịch bệnh đã qua, các kỳ thi năng lực ngoại ngữ quốc tế đã mở lại đều đặn. Điều cần làm bây giờ của các bạn là lập kế hoạch học tập thật tốt, trau dồi ngoại ngữ, xác định rằng mình sẽ thi chứng chỉ đó vào thời gian nào để kịp thời đăng ký.

Hãy cố gắng hoàn thành hết các chứng chỉ đầu ra ngay ở năm 3, đừng dồn chúng vào năm cuối nếu muốn ra trường đúng hạn. Bạn bè mình có một số đứa chỉ vì thiếu 1 chứng chỉ đầu ra mà phải hẹn lấy bằng tốt nghiệp ở đợt sau rồi đó. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm công việc bởi một số công ty yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp Đại học.

Nên vạch ra lộ trình để thi các chứng chỉ đầu ra trước năm 4.

5. Sinh viên năm nhất nên học từ nhiều nguồn để phát triển bản thân

Đối với mình, học trên trường lớp chưa bao giờ là đủ. Xã hội ngày càng phát triển thì con người cũng phải luôn nâng cấp bản thân, bổ sung kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Chỉ cần bạn dừng học một thời gian ngắn thôi, bạn sẽ cảm thấy bản thân như bị lạc hậu, thụt lùi.

Mình bắt đầu xác định được lộ trình cho bản thân khá muộn, đến tận cuối năm 2 khi đã trôi qua khoảng thời gian sinh viên năm nhất “vô tích sự”. Vì thế, mình có lời khuyên chân thành cho các bạn rằng: hãy học từ nhiều nguồn, nhiều chỗ. Vậy những nguồn đó ở đâu mà có?

Học từ sách, báo

Đọc sách là một thói quen rất tốt không chỉ giúp bạn bổ sung kiến thức mà còn hoàn thiện tư duy. Nhưng không phải đọc sách giấy mới là học tốt, bạn cũng có thể đọc Ebook nè. Bản thân mình không quá thích việc cầm sách đọc, nhưng rất thích đọc sách trên Ebook và mình đọc được nhanh hơn trên máy tính, điện thoại thay vì sách giấy.

Có rất nhiều cuốn sách với nhiều chủ đề mới mẻ, quan trọng là thứ bạn cần là gì, từ đó, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn cuốn sách phù hợp với bản thân. Quan điểm của mình là không đồng tình với cách đọc sách “hùa” của một số người, chỉ vì thấy nó “hot” chứ không quan tâm nó có hợp với bạn và mang lại giá trị gì cho bạn.

Bản thân mình thích nghiên cứu những vấn đề khoa học, vấn đề thời sự, vì thế, mình đọc sách, báo rất nhiều. Mình tiếp cận được các góc nhìn của rất nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề đó. Sau đó đem chúng xâu chuỗi lại, và đưa ra luận điểm cá nhân. Chính vì thế, chúng thực sự giúp ích cho mình trong việc hoàn thành các bài luận, Nghiên cứu Khoa học.

Học từ sách báo

Học từ các buổi workshop, webinar miễn phí

Các bạn nên theo dõi những chuyên gia, anh chị trong ngành tuyển dụng, content marketing, blogger nổi tiếng, hay những ngành nghề khác. Sau khi theo dõi và tìm hiểu một thời gian, nếu bạn cảm thấy họ uy tín, nội dung chia sẻ hay ho, bổ ích thì đừng ngại ngần đăng ký các buổi workshop, webinar. Chẳng những không mất tiền, mà các bạn còn học được rất nhiều từ họ, mà các kiến thức đó không được dạy ở trường đâu nhé!

Nhờ các buổi webinar miễn phí, mình đã biết cách viết CV, biết về content marketing, SEO, chuẩn bị những gì khi phỏng vấn… Mình còn học được tư duy kiếm tiền, phát triển bản thân, kinh doanh online từ một người thầy mà mình luôn ngưỡng mộ.

Vô vàn những kiến thức mới mà đáng lẽ các bạn phải bỏ tiền ra để học được những thứ này. Bởi đó đều là những kinh nghiệm quý báu được đúc kết trong một thời gian dài của họ.

Học từ các buổi workshop, webinar miễn phí

Học từ các khóa học online

Có rất nhiều các khóa học online đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, ngách… hiện nay trên mạng. Khóa học có phí hay miễn phí đều đủ cả. Các khóa học miễn phí chất lượng trên các nền tảng như: Coursera, Udemy, edX… Bên cạnh việc giúp bạn có kiến thức thì bạn còn có thể viết chúng vào CV xin việc để trông mình xịn hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Mình đã học rất nhiều từ nền tảng Coursera, tuy nhiên, nó vẫn không đủ bởi kiến thức quá chung chung và không chi tiết. Mình bắt đầu đăng ký một khóa học Content Marketing của một công ty, với mức phí đâu đó chưa tới 200 cành. Sau đó, mình bắt đầu dò la, tham khảo rất nhiều những anh chị, bạn bè về những khóa học chuyên sâu hơn về Content, Marketing hay về SEO.

Và mình đã gặp được một người bạn rất đáng yêu. Thông qua người bạn này, mình biết đến mentor hiện giờ của mình – chị Nhung Phùng. Một người thầy có kinh nghiệm với hơn 9 năm làm Blogger, phát triển hàng chục business, chuyên gia về content, marketing… đã khiến mình “mừng húm” như vớ phải chiếc phao cứu sinh.

Thế là, mình bắt đầu tìm tòi về khóa học dạy kiếm tiền online bằng nghề Content, Blogger của chị. Mình học thử những bài học miễn phí trước khi quyết định có nên mua nó hay không. Và mình đã can đảm mua khóa học này. Dù giá khá cao, nhưng yên tâm đi, nó thực sự rất xứng đáng hơn số tiền bạn bỏ ra.

Nhờ khóa học này mà mình đã nắm được các kiến thức cốt lõi của content, marketing và SEO. Và hơn thế nữa, mình đã kiếm được tiền từ chính những kiến thức học từ khóa học của chị chỉ sau hơn 1 tháng học.

Sinh viên năm nhất nên học thêm các khóa học online

Sinh viên năm nhất học được gì từ những hoạt động xã hội, CLB, tình nguyện?

Tham gia CLB, Đoàn trường, các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện không bao giờ lỗ và phí thời gian như các bạn nghĩ. Các bạn sẽ được học rất nhiều từ những hoạt động này.

Năm 2, mình tham gia hoạt động của Khoa và đi tình nguyện ở một thôn của người đồng bào thiểu số. Mình chưa bao giờ được trải nghiệm chuyến đi tình nguyện như thế bao giờ. Thông qua chuyến đi tình nguyện đó, mình học được cách yêu thương, giúp đỡ; học được cách xử lý tình huống; học được những kỹ năng sống bằng những hoạt động thực tiễn; được sống và cống hiến hết mình với màu áo xanh…

Còn rất nhiều kiến thức, kỹ năng mà bạn sẽ học được từ việc tham gia hoạt động xã hội, CLB mà còn không tưởng tượng được những trải nghiệm đó sẽ là hành trang giúp bạn phát triển tốt và thành công hơn rất nhiều trong cuộc sống.

Học từ việc tham gia các hoạt động ngoại khóa

*Kết luận

Mình đã từng mắc phải một số những sai lầm khi còn là sinh viên năm nhất, vì thế, mình hiểu rõ hơn ai hết những điều cần thiết và quan trọng mà một tân sinh viên nên làm để có thể lãnh đạo tốt bản thân trong 4 năm Đại học. Và tất cả những nỗ lực ấy sẽ mang lại cho bạn những quả ngọt đúng nghĩa. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích và cảnh tỉnh cho những bạn tân sinh viên có những suy nghĩ sai lầm khi mới bước chân vào ngôi trường Đại học nhé! Chúc các bạn luôn học tốt ^^.

Đề cử bài viết nổi bật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »